Gặp thầy giáo dạy học “Nơi địa ngục trần gian”

23/09/2024 10:03 Số lượt xem: 126
Ít ai nghĩ rằng, trong nhà lao đế quốc đã tồn tại những lớp học 4 không “không bảng, không bút, không sách, không vở”. Gặp gỡ, trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Tường ở phường Phố Mới, thị xã Quế Võ, người thầy giáo từng dạy học ở trại giam Phú Quốc, chúng tôi thực sự cảm phục, tự hào về người chiến sĩ cách mạng trung kiên.

Ngày 31-5-1965, thanh niên Nguyễn Xuân Tường nhập ngũ vào đơn vị B5, C7, D95, E68, F351, tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên. Ngày 10-6-1965, trong một trận chiến giáp lá cà với địch tại Buôn Ma Thuột, ông không may bị bắt. Bao lần chết đi sống lại, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản “Trung với nước, hiếu với dân”. Biết không thể khai thác thông tin, tháng 7-1967, địch chuyển ông ra đảo Phú Quốc-Nơi được coi là “Địa ngục trần gian”.
Hơn 50 năm trôi qua, song những năm tháng sống, chiến đấu trước sự tra tấn dã man của kẻ thù vẫn hằn sâu trong ký ức của ông Tường. Ông Tường chia sẻ: “Sở dĩ người ta gọi nhà lao Phú Quốc là “Địa ngục trần gian” là vì tại đây, quân địch sử dụng rất nhiều kiểu tra tấn dã man, như: Luộc người trong chảo nước sôi; nướng người trên lửa; đục, tháo xương; đóng đinh vào chân tay; đun nước xôi đổ vào mồm; dùng kim đâm vào các đầu ngón tay; nhốt trong chuồng cọp… Trong đó, “chuồng cọp” thép gai là một trong những cực hình dã man nhất mà địch dùng để hành hạ, tra tấn tù binh. Phân khu nào cũng có 3 đến 4 “chuồng cọp” với nhiều loại với kích thước khác nhau, có loại chúng nhốt 1 người, hoặc nhốt từ 3 đến 5 người. Có loại, người tù phải nằm dưới đất cát, hoặc chỉ đứng khom lưng, có loại chỉ ngồi, chỉ cần người tù nhúc nhích hoặc thay đổi tư thế đều bị thép gai cứa vào da, thịt. Tất cả “chuồng cọp” đều được để ngoài trời mưa, nắng. Bị bỏ đói, khát, nóng, lạnh ngoài trời, nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường đấu tranh, nhiều đồng chí đã ra đi mãi mãi…”.

 

Ông Nguyễn Xuân Tường giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ qua các tư liệu, hiện vật chiến tranh.


Để chống lại âm mưu của địch, Đảng ủy các phân khu tại nhà lao Phú Quốc tổ chức cho tù binh học tập chính trị, văn hóa, sinh hoạt văn nghệ, tổ chức kể chuyện truyền thống với phương châm “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Việc học tập, sinh hoạt văn nghệ ở trong trại giam là công việc hết sức khó khăn, gian khổ, thậm chí phải trả giá bằng xương máu. Vượt lên tất cả, phong trào học tập và sinh hoạt văn nghệ nổi lên mạnh mẽ, thu hút đông đảo tù binh tham gia, góp phần làm giảm bớt sự căng thẳng, tạo tinh thần lạc quan, đoàn kết, giữ vững khí tiết, niềm tin vào Đảng, cách mạng. Ông Tường nhớ lại: “Ngày ấy, lớp học trong trại giam không bảng, không bút, không sách, không vở. Khắc phục khó khăn, chúng tôi viết chữ, dạy các công thức toán học trên cát. Cứ như thế, người đi trước dìu dắt, hướng dẫn, tiếp thêm động lực để thế hệ sau vững vàng học tập, chiến đấu dù trong tay chẳng có thứ vũ khí nào. Lòng yêu nước và tình đoàn kết đã tạo nên sức mạnh đưa các tù binh chính trị vượt qua bao chông gai, thử thách. Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, tôi và các đồng đội được thả tự do trở về cách mạng”.
Năm 1974, ông trở về quê hương và đi học Trường Đại học Thông tin liên lạc (nay là Học viện Bưu chính viễn thông). Học xong, ông tham gia công tác tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô Bưu điện. Năm 1985, ông về nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước. Từ đó đến nay, ông tham gia Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh và tích cực viết tiểu thuyết, truyện ngắn, làm thơ, viết báo… Với những nỗ lực, tâm huyết, ông dành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng Nông thôn mới…  
Nhớ về ký ức chiến tranh, ông và những người đồng đội đã nhiều lần thăm lại Phú Quốc-Nơi “Địa ngục trần gian” năm xưa. Nay Phú Quốc đã đổi thay diệu kỳ, trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách khắp nơi, nhưng với ông Tường mảnh đất này luôn là nơi ghi dấu chân thực những giá trị lịch sử dân tộc. Ở đó, tinh thần đấu tranh và ý chí bất khuất, kiên cường của những chiến sĩ cộng sản sẽ mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, xứng đáng là tư liệu quý để thế hệ trẻ học tập, noi theo. 

Phong Vân