An toàn thực phẩm trong và sau mưa bão

11/09/2024 21:51 Số lượt xem: 145
Trong và sau mưa bão, lũ lụt, người dân phải đối diện với nhiều bệnh tật do ảnh hưởng môi trường sống bị ô nhiễm, những yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến nguy cơ thực phẩm không bảo đảm an toàn. Trang bị kỹ năng lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm thời điểm này có vai trò quan trọng phòng ngừa ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Người nội trợ xem xét kỹ thông tin về thực phẩm khi chọn mua.

 

Mấy ngày qua, nghe thông tin về tình hình nước dâng cao ở sông Cầu, sông Đuống và thành phố Bắc Ninh là một trong những địa bàn cảnh báo nguy cơ ngập lụt, chị Nguyễn Thùy Trang ở phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh chuẩn bị một ít thực phẩm để gia đình chủ động trong tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, khi đến một hàng tạp hóa, chị thấy người dân chen chúc mua sắm, không ít người ôm mấy thùng mì tôm cùng nhiều loại thực phẩm khác. Những người đến sau, không mua được nguyên thùng, buộc phải chọn gói lẻ. Chị Trang chia sẻ: “Tôi nghĩ việc chủ động chuẩn bị thực phẩm là cần thiết, nhưng cũng nên ở mức vừa phải. Một số người mua phải sản phẩm hết hạn sử dụng, bỏ đi thì tiếc, mà dùng thì không yên tâm”.

Thời điểm này, nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với người dân cao hơn do sự thay đổi của thời tiết là điều kiện thuận lợi khiến thực phẩm dễ bị nhiễm vi sinh vật, dẫn đến ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh ra độc tố. Điều kiện bảo quản kém, chưa đúng cách hoặc việc lựa chọn thực phẩm một cách dễ dãi cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền qua thực phẩm.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng ngừa dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt rất quan trọng. Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa mưa bão, Ban đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai, chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phối hợp với Đội Thanh tra - Quản lý ATTP trên địa bàn triển khai hoạt động thông tin tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương, tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng trên loa truyền thanh các nội dung hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Chủ động triển khai các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục các sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư… phối hợp tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm khi được yêu cầu.
Sử dụng nước sạch, an toàn để chế biến và rửa dụng cụ chế biến thực phẩm. Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể xử lý tạm thời bằng các loại hóa chất theo hướng dẫn của ngành Y tế, bảo đảm nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ. Sử dụng các trang thiết bị dụng cụ để sơ chế, chế biến bảo đảm sạch sẽ. Tuyệt đối không để dụng cụ bẩn qua đêm. Thức ăn còn thừa, thực phẩm thải bỏ phải được đựng vào thùng kín có nắp đậy và chuyển đến nơi thu gom rác theo quy định. Bát đĩa cần được rửa sạch ngay sau khi ăn xong và úp vào chạn bát có giá đỡ khô ráo, tránh bụi bẩn và côn trùng xâm nhập. Dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm sống, chín phải riêng biệt.
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không dùng tay bốc thức ăn và chế biến thực phẩm. Thực hiện “Ăn chín, uống chín”, tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống; chủ động bổ sung vitamin và rau vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Bảo quản tốt lương thực, thực phẩm tránh ẩm, mốc, mối mọt và ngập nước; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập.
Ngoài ra, người dân không chế biến thực phẩm từ động vật chết không rõ nguyên nhân hoặc đang bệnh. Có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, hóa chất sát khuẩn của ngành Y tế.

Việt Hoa