“Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”

09/09/2024 22:22 Số lượt xem: 180
Ý thức tự giác chấp hành luật Giao thông là biểu hiện, điều kiện đầu tiên của văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa ứng xử nơi công cộng, là hành vi, ứng xử đúng đắn, văn minh, chấp hành mọi quy định của pháp luật và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

Người dân tham gia giao thông tại nút giao Lý Thái Tổ - Huyền Quang (thành phố Bắc Ninh).


Nhìn từ lịch sử có thể thấy những yếu tố văn hóa truyền thống tác động đến thói quen trong văn hóa giao thông của người dân Bắc Ninh. Thừa hưởng di sản văn hóa đậm tinh thần tư tưởng của Phật-Lão-Nho cùng phẩm chất, cốt cách trọng nghĩa tình, lối ứng xử văn hóa hài hòa, cởi mở, thân thiện vốn có, người tham gia giao thông ở Bắc Ninh cũng bộc lộ nét tính cách từ tốn, nhường nhịn và nhẫn nại...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Bắc Ninh phát triển công nghiệp thu hút hàng vạn lao động nhập cư với quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ. Bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử vẫn xuất hiện những hành vi thiếu văn hóa mà biểu hiện dễ nhận thấy trong văn hóa giao thông là tình trạng thanh, thiếu niên tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Trên nhiều tuyến giao thông không khó để bắt gặp các hành vi như: đi không đúng làn đường, thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ, vượt sai, lấn trái làn đường; khi xảy ra va chạm giao thông, thay vì quan tâm sức khỏe người bị nạn thì nhiều người văng tục, chửi thề, thậm chí sử dụng vũ lực để trốn tránh trách nhiệm. Những hành vi, lối ứng xử thiếu văn minh của người tham gia giao thông vẫn diễn ra...
Giới chuyên gia cho rằng, văn hóa giao thông giống như một loại “vaccine đặc chủng” điều trị tận gốc những vấn nạn giao thông. Do đó, xây dựng văn hóa giao thông là một trong những giải pháp căn cơ hữu hiệu bảo đảm hoạt động giao thông an toàn, tạo một môi trường giao thông thân thiện, nhân văn, bền vững.

 

Trong số 18 quy tắc hình thành văn hóa giao thông của người Bắc Ninh, có 10 quy tắc đối với người tham gia giao thông là: (1) Tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; (2) đã uống rượu, bia thì không lái xe; (3) không chen lấn khi tham gia giao thông, dù ùn tắc, tắc đường vẫn chấp hành đi đúng làn đường; dừng, đỗ xe đúng quy định; (4) sử dụng còi xe đúng quy định, không lạm dụng việc sử dụng còi xe gây ô nhiễm tiếng ồn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; (5) thường xuyên rèn luyện, bổ trợ kỹ năng vận hành xe an toàn, cập nhật các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; (6) chủ động nhường đường, tôn trọng, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông, đặc biệt là người bị nạn, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai; (7) ứng xử văn minh, lịch sự, có thái độ hợp tác tích cực khi xảy ra va chạm giao thông; (8) ông bà, cha mẹ làm gương trong việc chấp hành pháp luật và ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; (9) kịp thời lên án các hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; (10) bảo đảm phương tiện tham gia giao thông an toàn, sạch đẹp, không sơn, dán, vẽ các hình ảnh gây phản cảm, trái quy định của pháp luật...

 

Thực hiện Nghị quyết số 87-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Bắc Ninh là “Tỉnh an toàn giao thông”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, ban hành Bộ Quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh. Việc ban hành Bộ Quy tắc nhằm từng bước điều chỉnh thái độ, hành vi của người tham gia giao thông, hình thành chuẩn mực văn hóa giao thông, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng con người Bắc Ninh văn minh, lịch sự, bồi đắp đặc trưng “văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh trên nền tảng văn hoá Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Văn hóa giao thông không tự nhiên có, mà phải được hình thành từ quá trình học tập, tiếp thu, rèn luyện, được định hình trong khuôn phép của pháp luật, đạo đức. Đây vừa là trình độ dân trí, biểu hiện cụ thể của văn minh trong ứng xử hàng ngày, vừa thể hiện thái độ sống, lòng tự trọng mà mỗi cá nhân cần phấn đấu rèn luyện. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức, đa dạng mô hình. Trong đó, nổi bật là hoạt động tuyên truyền trực quan, chiếu phim lưu động, dàn dựng các tình huống sân khấu hóa, về văn hóa giao thông do các cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện.
Xây dựng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn thể hiện văn hóa ứng xử của người Bắc Ninh lịch thiệp, văn minh, nhân văn, trọng tình nghĩa. Văn hóa giao thông cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, bền bỉ và được giáo dục thực chất từ trong mỗi gia đình, mỗi trường học mà ở đó, người lớn nhất thiết phải làm gương cho con trẻ. Mỗi người cùng chung tay tuyên truyền và thực hiện - “một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”.

Việt Thanh