Điểm sáng Giáo dục

18/10/2024 16:44 Số lượt xem: 86
Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, giai đoạn 2020-2025, lĩnh vực GD-ĐT luôn là điểm sáng tiêu biểu. Giáo dục không chỉ góp phần làm rạng danh truyền thống đất học, mà còn hoạch định chiến lược, góp phần vào sự phát triển toàn diện của quê hương.

Hình ảnh thân thiện quen thuộc của cô, trò Trường TH&THCS Trần Quốc Toản, thành phố Bắc Ninh.


Những kết quả nổi bật đáng ghi nhận sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, với sự quan tâm chăm lo toàn diện của tỉnh cùng nỗ lực bền bỉ của ngành, Giáo dục Bắc Ninh đã vững vàng vị thế dẫn đầu và trong tốp đầu toàn quốc ở nhiều chỉ tiêu thi đua, có những thành tích làm nức lòng những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người ở đất văn hiến trong thời kỳ phát triển mới. Rõ nhất là kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, olympic khu vực và quốc tế; thi tốt nghiệp THPT… Kết quả đó là tổng hoà các giải pháp phù hợp, quyết liệt có lộ trình của tỉnh và ngành đã đề ra. Sự nghiệp trồng người đang phát triển toàn diện, ngay các cuộc thi mang tính phong trào như: “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “An toàn giao thông vì nụ cười trẻ thơ”, “Trạng nguyên Tiếng Việt”, “Trạng nguyên Tiếng Anh”…, Bắc Ninh cũng luôn là điển hình toàn quốc.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 (tháng 8-2024), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi kỳ vọng với uy tín và vị thế được khẳng định, trong năm học này, Bắc Ninh sẽ góp ý, tham mưu, đề xuất kịp thời với Bộ GD-ĐT nhiều giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018; vấn đề dạy và học ngoại ngữ; phổ cập giáo dục mầm non; xây dựng trường học an toàn, xanh, sạch, đẹp... Đây là vấn đề mới và khó nhưng tin tưởng Bắc Ninh sẽ làm tốt, giúp Bộ GD-ĐT nhân rộng những điển hình ra toàn quốc.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 lĩnh vực GD-ĐT đề ra 6 mục tiêu chủ yếu. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thế Sơn, bước vào năm học 2024-2025, ngành đã thực hiện cơ bản đạt và vượt 5/6 mục tiêu; 1/6 mục tiêu dự kiến hoàn thành trong năm 2025, cụ thể là: Mục tiêu trẻ trong trường mầm non được học bán trú hiện đạt 99,7% (vượt chỉ tiêu); mục tiêu học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, hiện đạt 100% (đạt chỉ tiêu); mục tiêu học sinh phổ thông trong đối tượng học môn ngoại ngữ là môn bắt buộc được học 100% (đạt chỉ tiêu); mục tiêu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bình quân hằng năm (tính trung bình đến năm 2024) đạt 99,5% (vượt chỉ tiêu); mục tiêu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non thể thấp còi hiện đạt dưới 3,0% (trẻ nhà trẻ 2,1%, trẻ mẫu giáo 2,5%), vượt chỉ tiêu. Riêng mục tiêu 6 là tỷ lệ trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia mức 2 chiếm 85%, tin tưởng sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Hạn chế của ngành là do áp lực tăng dân số dẫn đến nhiều trường, lớp học bị quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện; số lượng trường phổ thông ngoài công lập ít; chưa có trường THPT ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia; tình trạng thiếu giáo viên mầm non và tiểu học, giáo viên dạy các môn theo Chương trình mới cấp THCS, THPT; cơ chế chính sách nhà giáo còn vướng mắc; định mức bình quân số lượng học sinh/lớp để xác định số lượng giáo viên còn bất cập...
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với ngành GD-ĐT đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo (ngày 9-10), ngoài vai trò Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, với tư cách Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đã giải đáp thoả đáng nhiều băn khoăn trăn trở của cán bộ quản lý, giáo viên đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh và tỉnh có thể giải quyết được như chế độ đãi ngộ, thu hút giáo viên và học sinh tiêu biểu; vấn đề tiền lương đối với giáo viên hợp đồng; vấn đề bồi dưỡng chuyên môn giáo viên; vấn đề tự chủ trong trường công lập; vấn đề quy hoạch trường, lớp học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn… Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn cho ngành và luôn tạo điều kiện để ngành GD-ĐT phát triển toàn diện và bền vững, xứng với truyền thống hiếu học của quê hương. Nhưng ngành GD-ĐT cũng phải không ngừng đổi mới, kịp thời tham mưu với tỉnh những giải pháp đúng đắn phù hợp đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục đề ra.
Năm học 2024-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu tiên học sinh phổ thông toàn quốc từ lớp 1 đến lớp 12 đều học theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, là năm cuối khép lại 1 kỳ Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh. Như vậy, kết quả năm học sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nói chung và ngành nói riêng. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm học, ngành GD-ĐT Bắc Ninh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua. Quyết tâm giữ vững là điểm sáng toàn quốc cả về phong trào và chất lượng giáo dục. Đúng như chủ đề năm học 2024-2025 do Sở GD-ĐT xây dựng và đã được UBND tỉnh thông qua tại Quyết định số 1102/QĐ-UBND, ngày 12-9 Về việc phê duyệt Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành GD-ĐT Bắc Ninh, đó là: Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Trọng Khánh