Phòng ngừa các nguy cơ sức khỏe trong mùa mưa bão

24/09/2024 20:21 Số lượt xem: 65
Hằng năm, mùa mưa bão tại miền Bắc kéo dài vài tháng, mang theo nguy cơ ngập úng, lũ lụt. Trong và sau mưa bão, lụt lội, con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, trang bị kiến thức, kỹ năng để thích nghi, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho mình là điều hết sức cần thiết với mỗi cá nhân, gia đình.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hòa Tiến (Yên Phong) phát thuốc cho người dân bị ngập lụt do mưa bão.

 

Theo phân tích của bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Từ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các vấn đề về sức khỏe của con người trong và sau mưa bão có thể gặp phải bao gồm: Tai nạn sinh hoạt, tai nạn thương tích, nguy cơ điện giật do rò rỉ, các loại bệnh và bệnh dịch do mưa, ẩm kéo dài và điều kiện sinh hoạt không bảo đảm.
Theo bác sĩ Từ, trong thời gian mưa bão, người dân cần đặc biệt cẩn trọng trong sinh hoạt, tránh tai nạn thương tích do mảnh văng từ mái tôn, cửa kính vỡ, cây đổ gây nên. Đây là nguyên nhân vì sao cơ quan chức năng luôn khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi mưa bão nếu không có việc cấp bách, cần thiết.
Trong và sau mưa bão, tình trạng mất điện khá phổ biến và dễ dẫn đến rò rỉ điện, mang theo nguy cơ điện giật. Thực tế, không ít sự cố do bão làm đổ cây cối vào lưới điện, gió bão cuốn các biển bảng quảng cáo mái tôn… vào dây dẫn điện, nếu người dân sơ ý đi vào nơi có lưới điện bị sự cố có thể bị tai nạn điện giật. Chưa kể, nước dâng gây ngập có thể làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, dễ gặp tình trạng tai nạn trong sinh hoạt, trong quá trình sửa chữa, khắc phục hậu quả cơn bão, lũ lụt sau bão. Thường thì các tai nạn, chấn thương này do các chướng ngại vật trong bão, do bão gây ra.
Sau các cơn bão lớn, hoàn lưu kéo dài, tình trạng ngập úng khá phổ biến ở vùng trũng. Đây là giai đoạn cần lưu ý đặc biệt về các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Tại các vùng ngập úng, việc cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt sẽ khó khăn hơn, công tác quản lý phân, chất thải của người và động vật, gia súc nếu không khoa học sẽ trở thành nguồn gây bệnh và ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão kéo dài và tình trạng ngập lụt ở một số địa phương là điều kiện thuận lợi để các bệnh lây qua đường tiêu hóa như: Tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, tay - chân - miệng…; các bệnh lây qua véc-tơ như: Sốt xuất huyết, sốt rét…; các bệnh ngoài da: Nấm chân, tay, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt; các bệnh lây qua đường hô hấp cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, sởi, Adeno vi-rút; có thể tăng đột biến và bùng phát thành dịch.
Hiện nay, tại một số tỉnh lân cận, tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc sốt xuất huyết trở về từ các địa phương đang có dịch. Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết sau đợt mưa bão kéo dài là rất cao, do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc, nghi mắc, điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để không để dịch lan rộng kéo dài của cơ quan chuyên môn, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết cần được thực hiện chủ động ngay từ hộ gia đình với giải pháp chính là vệ sinh thường xuyên môi trường sống, ngăn chặn sự lây lan, sinh sôi của véc-tơ truyền bệnh, ngủ mắc màn…
Trong vùng ngập lụt, vấn đề xử lý nước ăn uống và vệ sinh môi trường cũng được ngành Y tế hướng dẫn chi tiết. Để được sử dụng nguồn nước bảo đảm phục vụ cho ăn uống trong điều kiện khó khăn về nước sạch, cần phải làm sạch, làm trong nước bằng một số loại hóa chất, sau đó đun sôi. Nguyên tắc “Ăn chín, uống sôi” cần được duy trì.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ và các bệnh ngoài da thường gặp sau bão lụt, người dân lưu ý không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn, không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, không mặt, quần áo ẩm ướt, hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng, nếu bắt buộc phải lội vào thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, chân…
Trong bão lụt, nước ngập tràn, cuốn trôi theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất như: Chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật…  làm nước và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy, ngay khi nước rút, cần thực hiện tốt các biện pháp xử lý nước và môi trường, hạn chế ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việt Hoa

Y tế