Giảm thiểu chất thải nhựa - Những nỗ lực của ngành Y tế

21/10/2024 21:04 Số lượt xem: 187
Thực hiện quy định nghiêm ngặt về phòng ngừa lây nhiễm, các cơ sở khám, chữa bệnh phải sử dụng nhiều loại thiết bị y tế một lần để bảo đảm an toàn, lượng chất thải nhựa y tế vì thế rất lớn. Bên cạnh đó, với lượng bệnh nhân và người nhà đông, rác thải sinh hoạt nhiều, vấn đề giảm thiểu chất thải nhựa vẫn luôn được các đơn vị y tế nỗ lực tìm kiếm giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Chất thải phát sinh trong hoạt động chuyên môn y tế được phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ trước khi xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Đa dạng phương thức giảm thiểu chất thải nhựa

Bình quân mỗi tháng, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng gần 100 nghìn chiếc vỏ lọ, túi dịch, dịch, can hóa chất… từ các khoa lâm sàng gửi xuống kho chất thải tái chế. Đây là chai nhựa, lọ thủy tinh đã chứa đựng các loại thuốc, hóa chất nhóm không gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất. Một báo cáo tổng hợp khác của đơn vị cho thấy, trong các năm từ 2019-2022, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh mỗi năm dao động từ hơn 38,3 tấn đến gần 46,4 tấn.
Ông Nguyễn Hữu Côn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, chất thải y tế được phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh: “Để giảm thiểu chất thải nhựa phát sinh, dần thay thế bằng các vật liệu nhựa thân thiện hơn với môi trường, bệnh viện lựa chọn các sản phẩm thuốc có bao bì chứa đựng là nhựa PE thay cho nhựa PVC trước đây. Ngay cả đối với túi đựng chất thải các màu vàng, xanh, đen, trước đây sử dụng chất liệu PVC (Vàng, xanh, đen) thì nay cũng sử dụng chất liệu có thể tự phân hủy”.
Trong 5 năm từ 2019 - 2023, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong là hơn 34 tấn, trong đó bình quân lượng chất thải nhựa tái chế hằng năm chiếm hơn 1/4. Từ những nỗ lực nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi đối với việc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và nilon, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường có chuyển biến rõ rệt, tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh được tái chế tăng từ gần 26% (năm 2022) lên 29% (năm 2023).
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong, tại các khoa, phòng và các trạm y tế trực thuộc Trung tâm tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống cho người bệnh, không phát thuốc bằng túi nilon sử dụng một lần; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa. Tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn tại cơ quan, đơn vị không dùng nước uống đóng chai bằng nhựa, thay vào đó là sử dụng cốc thủy tinh hoặc các vật liệu khác có thể sử dụng nhiều lần. Trung tâm cũng lựa chọn văn phòng phẩm là những sản phẩm thân thiện với môi trường như: Bút viết thay ruột nhiều lần, túi đựng hồ sơ, tài liệu bằng vật liệu giấy… Tiến tới, đơn vị không sử dụng các sản phẩm từ nhựa trong hoạt động và việc mua sắm văn phòng phẩm.

Quyết tâm của ngành Y tế

Trong cơ sở y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, như: Các sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế… Giảm thiểu lượng chất thải nhựa phát sinh trong bệnh viện thực sự là một bài toán khó khi mà các sản phẩm phục vụ cho hoạt động chuyên môn được làm từ vật liệu nhựa rất khó thay thế, còn nhu cầu sử dụng các vật dụng một lần ở người bệnh và người nhà đã trở nên quá phổ biến.
Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT ngày 27-7-2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, Sở Y tế Bắc Ninh triển khai các nhóm giải pháp khả thi. Thời gian đầu, để mở rộng phạm vi tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức, các hoạt động quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế về giảm thiểu chất thải nhựa tại các cơ sở khám, chữa bệnh được tổ chức liên tục. Cùng với đó là kiểm tra, giám sát việc thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở y tế. Hai việc này được 100% các cơ sở y tế công lập và các bệnh viện ngoài công lập triển khai.
Phần lớn các bệnh viện đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ; hầu hết các đơn vị có tổ chức ký cam kết giữa Thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ về nội dung này. Một số đơn vị đi tiên phong trong giảm thiểu chất thải nhựa đã tổ chức, thực hiện những hoạt động thiết thực hưởng ứng, gửi gắm những thông điệp sâu sắc và ý nghĩa như: Hội thi sáng tạo sản phẩm từ chất thải nhựa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chủ đề “Vì một môi trường xanh của bệnh viện”; sự thay đổi trong lựa chọn vật liệu bao bì từ túi bóng sang túi giấy tặng quà bệnh nhi, con cán bộ, nhân viên tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh trong dịp Tết Trung thu…
Qua giai đoạn đẩy mạnh truyền thông với đa dạng hình thức, giảm thiểu chất thải nhựa tại nhiều cơ sở y tế đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động nền nếp như hai bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Quyết tâm triển khai thành công bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế cũng là một trong những việc làm góp phần quan trọng giảm thiểu chất thải nhựa từ film chụp X-quang, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ… Hiện nay, ở 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện Yên Phong, việc trả các loại film chỉ thực hiện với bệnh nhân ngoại trú theo đúng quy định.
Chuyển biến cũng có thể nhận thấy ở căng-tin của nhiều cơ sở y tế khi đơn vị cung cấp dịch vụ đã sử dụng khay chứa thức ăn bằng inox, hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy. Chị Nguyễn Thị Phương Anh, quản lý chi nhánh Bắc Ninh của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sen Hồng - đơn vị cung cấp suất ăn tại nhà ăn Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Với nhận thức về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, chúng tôi luôn khuyến khích bệnh nhân và người nhà có cặp lồng, vật dụng chứa đựng bằng vật liệu an toàn, hạn chế dùng hộp xốp, khay, cốc nhựa dùng một lần. Thực tế, những bệnh nhân nằm viện dài ngày sử dụng cặp lồng mua thức ăn khá phổ biến”.

Khó khăn trong thay đổi thói quen, ý thức

Cần bao lâu để rác thải nhựa phân hủy? Câu trả lời là 100 năm, 200 năm, thậm chí là 1.000 năm. Trong khi đó, hơn 50% lượng nhựa tiêu thụ mỗi ngày là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Loại rác thải gây “ô nhiễm trắng” này đã, đang và sẽ tiếp tục là mối hiểm họa đối với toàn cầu, vì thế hành động tích cực để giảm thiểu chất thải nhựa chưa bao giờ là muộn. Tuy nhiên, trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, các loại sản phẩm dùng một lần có nguồn gốc từ nhựa đã quá phổ biến và nhu cầu sử dụng của con người thì ngày càng gia tăng. Thói quen dùng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa một lần không dễ gì thay đổi.
Đối với ngành Y tế, các dụng cụ, vật tư phục vụ hoạt động chuyên môn vẫn còn làm bằng nhựa, chưa thể thay thế như: Chai lọ đựng thuốc, dịch truyền, bơm kim tiêm, ống xét nghiệm… Chất liệu của các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, dễ phân huỷ và thân thiện với môi trường chưa phổ biến rộng rãi và có giá cao hơn so với sản phẩm từ nhựa. Một bộ phận người bệnh và người nhà chưa nhận thức đầy đủ được tác hại của chất thải nhựa tới môi trường và sức khỏe nên lượng chất thải nhựa phát sinh còn lớn. Việc thay đổi thói quen và nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đặc biệt khó khăn khi đặt trong môi trường bệnh viện… Đó đều là những trở ngại và thách thức mà ngành Y tế đã nhận diện và phải đối mặt, vượt qua trong nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa.
Để tăng cường giảm thiểu và quản lý hiệu quả chất thải nhựa trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, thời gian tới, ngành Y tế quyết liệt thực hiện “Hạn chế phát sinh - phân loại đúng - thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý - xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc: Giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế. Với phương châm này, các đơn vị cần triển khai mạnh mẽ, tích cực và sáng tạo hơn nữa các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao ý thức và hành vi về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong công tác chuyên môn cũng như trong sinh hoạt hằng ngày cho cán bộ, người bệnh và người nhà người bệnh.

Việt Hoa

Y tế