Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển ngành nghề nông thôn

18/09/2024 18:53 Số lượt xem: 125
Toàn tỉnh có 65 làng nghề, làng nghề truyền thống đạt tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Trong đó, có 41 làng nghề truyền thống và 24 làng nghề mới. Ngoài ra còn có 35 thôn, khu phố có nghề truyền thống. Hoạt động ngành nghề nông thôn thuộc 6 nhóm: Nhóm nghề chế biến, bảo quản nông lâm sản được phân bố chính ở 3 làng, khu phố; Nhóm nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được được phân bố chính ở 3 làng, khu phố; Nhóm nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn được phân bố chính ở 3 làng, khu phố; Nhóm nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ được phân bố ở 50 làng, khu phố; Nhóm nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh được phân bố ở 1 làng;  Nhóm nghề dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn được phân bố ở 5 làng, khu phố. Hoạt động ngành nghề nông thôn còn có 3 nhóm nằm rải rác ở 35 thôn, khu phố. Hiện có 28.342 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh tại làng nghề, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 74 nghìn lao động, thu nhập trung bình đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đạt khoảng 12,2 nghìn tỷ đồng…
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập kinh tế, xu hướng sản xuất và tiêu dùng có nhiều biến động, các làng nghề nông thôn gặp nhiều khó khăn và dần bị thu hẹp. Quy mô hoạt động còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào; nguyên liệu chủ yếu đều phải nhập ở tỉnh ngoài hoặc nhập khẩu; thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu những năm vừa qua bị thu hẹp do chưa xây dựng được chiến lược về thị trường, cũng như thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Công nghệ sản xuất lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế, môi trường làng nghề có nguy cơ bị ô nhiễm… tạo sức ép không nhỏ đến chất lượng môi trường sống của người dân. Đặc biệt là ô nhiễm từ một số nhóm ngành nghề như: chế biến lương thực, thực phẩm (làm bún, bánh) ở Khắc Niệm; sản xuất giấy ở Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), Phú Lâm (Tiên Du); nghề tái chế phế liệu ở Văn Môn (Yên Phong); sản xuất thép ở Đa Hội, Châu Khê (thành phố Từ Sơn)…

 

Sản xuất ở làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình).


Khi ngành nghề nông thôn thu hẹp, không những người lao động trực tiếp chịu tác động mà còn ảnh hưởng tới nhiều lao động ở các lĩnh vực khác. Thực trạng này đòi hỏi cần có những biện pháp giải cứu cho làng nghề, nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động.Vì vậy, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện, bền vững, bảo đảm tăng trưởng xanh; bảo tồn, khôi phục và giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, đáp ứng yêu cầu thị trường là xu hướng tất yếu hiện nay. Thực hiện Chương trình số 64-CTr/TU ngày 21-12-2023 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về Chương trình làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2024 và Chương trình số 01/CTr-UBND ngày 2-1-2024 của UBND tỉnh về Chương trình công tác năm 2024, ngành Nông nghiệp tham mưu, đề xuất với tỉnh về các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
 Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Thu nhập bình quân lao động của hoạt động ngành nghề nông thôn đạt bình quân 10 triệu đồng/lao động/tháng; Có khoảng 30% số làng nghề, nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình OCOP; hoàn thành xây dựng và lấp đầy 4 CCN làng nghề theo phương án phát triển CCN đến năm 2030; đầu tư xây dựng khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP theo Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025”… Để thực hiện mục tiêu đề ra, các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường sự lãnh đạo nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nâng cao năng lực, hiệu quả của chính quyền trong công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như hỗ trợ các cơ sở sản xuất thuộc 6 nhóm nghề nông thôn.
Quy hoạch bố trí các khu dịch vụ, trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế từng nhóm nghề; quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm. Đồng thời, duy trì và phát triển đội ngũ thợ giỏi, nghệ nhân để tạo nòng cốt thúc đẩy công tác phát triển ngành nghề nông thôn, khuyến khích sáng tạo, thiết kế thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị cao phù hợp với thị trường.

Thái Uyên

Xây dựng đảng