Làng nghề mây tre đan Xuân Hội

16/10/2024 10:09 Số lượt xem: 104
Thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) từ lâu nổi tiếng với nghề làm mây tre đan, trải qua thăng trầm lịch sử, bằng sự năng động, sáng tạo, bắt nhịp với xu hướng thị trường người dân nơi đây tiếp tục duy trì, phát triển làng nghề, góp phần thay đổi diện mạo cho quê hương.

Với chất lượng cao, sản phẩm mây tre đan Xuân Hội đang được thị trường ưa chuộng. 

 

Theo các hộ làm nghề trong làng, từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người dân đã có nghề đan các loại từ mây tre, nứa mai, vầu và song mây để sản xuất ra các loại quạt nan và ấm tích… phục vụ đời sống của nhân dân trong vùng. Đã từng có thời kỳ nghề mây tre đan bị mai một, nhưng với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và người dân địa phương, những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh ở Xuân Hội phát triển và có nhiều khởi sắc. Hiện toàn thôn có hơn 500/900 hộ tham gia sản xuất các mặt hàng như: túi xách, lẵng hoa, làn hoa, ấm đựng tích nước, bình hoa, khay đựng chén trà…Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng cơ sở chuyên sản xuất đồ mây tre đan không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Nga. Mỗi ngày, làng nghề sử dụng khoảng hơn10 tấn nguyên liệu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở nhiều lứa tuổi lúc nông nhàn với thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như cơ sở sản xuất và thu mua sản phẩm mây tre đan của gia đình bà Nguyễn Thị Dung đầu tư 5 máy chẻ nan, lạt giải quyết việc làm thường xuyên cho 30-40 lao động. Mỗi tháng gia đình bà xuất xưởng 20.000 sản phẩm. Ngoài việc đan lát mây tre, người dân trong thôn kết hợp làm chổi nan, chổi đót mang lại thu nhập khá. Kể về việc ăn nên làm ra từ việc đan lát kết hợp làm chổi ở Xuân Hội, ai cũng khâm phục sự chịu khó, năng động của vợ chồng anh Đặng Ngọc Hùng, chị Nguyễn Thị Lan dù còn trẻ, nhưng họ là những người tiên phong trong việc phát triển cây chổi đót, chổi nan. Trung bình mỗi tuần gia đình xuất xưởng khoảng 3.000 sản phẩm cho các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên. Tổng doanh thu mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập từ 200-400 nghìn đồng/ngày.

 

Toàn thôn Xuân Hội hiện có hơn 500 hộ tham gia sản xuất các mặt hàng mây tre đan.

 

Ngoài các hộ kinh doanh, nhiều người mạnh dạn thành lập Công ty, HTX để chủ động trong việc bao tiêu sản phẩm. Ông Đặng Ngọc Phùng, nghệ nhân bàn tay vàng ngành thủ công mỹ nghệ, Giám đốc HTX mây tre đan xuất khẩu Phùng Hưng chia sẻ: Năm 2023, HTX có 3 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOOP 3 sao là làn mây, lộc bình, tráp. HTX xuất khẩu 7 đơn hàng, hơn 10 vạn sản phẩm mây tre đan sang các nước Đài Loan, Nhật Bản…. Để nâng cao tay nghề và nhân rộng nghề HTX phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức nhiều khoá đào tạo nghề thu hút đông đảo người dân tham gia, vừa tạo việc làm, tăng thêm thu nhập. Nghề đan mây tre không kén lao động, từ người già đến con trẻ nếu chăm chỉ cũng có thể học và đan được sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, tạo được sự tín nhiệm và ưa thích của người tiêu dùng thì đòi hỏi người thợ thủ công ngoài tay nghề khéo léo, kỹ thuật cao, họ còn phải luôn sáng tạo được những mẫu mã riêng biệt”.

Xuân Hội hiện có hơn 500 hộ làm nghề mây tre đan, trong đó có 2 người đã được phong tặng nghệ nhân và chính quyền địa phương đang hoàn tất thủ tục để nghị các cấp công nhân hơn 10 thợ giỏi của làng nghề. Nghề mây tre đan không chỉ tạo việc làm cho người trong độ tuổi lao động mà cả người già, học sinh cũng có thể tham gia làm nghề, tranh thủ thời gian nông nhàn làm tại nhà. Các sản phẩm thô được sản xuất tại các hộ, sau đó được chuyển đến các HTX và Công ty để làm các công đoạn hoàn thiện đòi hỏi kỹ thuật cao như giũ keo, quét dầu bóng…

Làng nghề Xuân Hội đang khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế chung của địa phương. Những chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất như: Hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, mua sắm trang thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường quốc tế, tạo điều kiện cho các hộ yên tâm sản xuất và phát triển làng nghề theo hướng bền vững.

Phòng PVKT