Bài thi chống tham nhũng của Trạng nguyên Vũ Kiệt

13/10/2024 20:18 Số lượt xem: 330
Trạng nguyên Vũ kiệt là người xã An Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, nay thuộc xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành. Tròn 20 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Nhâm Thìn 1472, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 đời vua Lê Thánh Tông.

Vũ Kiệt đỗ Trạng nguyên với bài thi đình đối xuất sắc dài hơn mười nghìn chữ, được triều đình coi như kiệt tác về sách lược trị quốc, an dân. Mở đầu bài văn sách, Vũ Kiệt đề cập đến những vấn đề chung mà theo ông đó là cái “cốt lõi của việc thịnh trị đất nước”: “Thần nghe: Muốn tìm hiểu đường lối trị nước cần phải tìm cái cốt yếu của việc trị nước. Muốn tìm cách thức của việc cứu tế cần xem xét nguyên nhân của việc cứu tế. Bởi vì việc võ là để uy hiếp kẻ địch bên ngoài, ổn định đất nước, nên thánh nhân dùng nộ khí để răn đe. Nho thuật để ngợi ca việc giáo hóa, điểm tô nền thái bình, nên bậc vua giỏi dùng mừng vui để tu đức. Cái tốt, cái xấu không phân biệt, tất thiện ác lẫn lộn. Người trung, kẻ tà không phân biệt thì người hiền tài chẳng vui khi được sử dụng. Phong tục không thuần hậu thì luân thường đổ nát, khiến cho nhân dân tâm bất chính, mà đạo đời không thuần nhất...”.
Về việc chống quan lại tham nhũng, nhà vua ra đề: “Trẫm lo lắng cho thói tham lam làm đổi thay phong tục, nên đặt chức Đình úy để xét tra những điều gian dối của bọn quan lại, thưởng người liêm khiết để khuyến khích họ làm việc tốt. Thế nhưng, người có chức vị vẫn không trong sạch, gió thổi bóng theo. Bọn viên chức nhỏ tự làm những điều ô nhục, ngày càng lan tràn. Dân càng nghèo mà đóng góp ngày càng lắm, pháp luật càng nghiêm mà kẻ gian ngày càng nhiều. Việc quân cơ, việc chính sự biến đổi rối rắm. Của cải xuất kho lại rơi vào tay bọn tham nhũng, thật chẳng có lúc nào mà quá như lúc này. Hãy nêu nguyên nhân sinh ra những tệ hại ấy và bằng cách nào để sửa đổi và có tin là sửa đổi được không?”
Trả lời trong bài thi, Vũ Kiệt viết: “Thần cho rằng, câu hỏi của bệ hạ là muốn để tâm làm trong sạch mọi dòng vẩn đục, và mong muốn các quan noi theo đó để làm chuẩn mực. Thần nghe lời giải thích trong kinh Xuân Thu “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan”. Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được...”.
Vũ Kiệt phân tích nguyên nhân có tính chất rất chung về cái xấu ở con người: “Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra rối loạn”. Sau đó, ông đưa ra cách thức khắc phục: “Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân được... Thần thấy trong Kinh lễ có câu: “Đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính”, là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo...”.
Vậy nên, một trong những chỗ cần khắc phục chính là hệ thống quan cấp cao, nắm giữ quyền binh, nguồn của cải triều đình. Vũ Kiệt chỉ rõ: “Nhưng phép thuật ngày nay thì người làm quan lớn hoặc ban ơn để rỏ rằng mình là người hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch. Khi tìm được chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn... Hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công làm của tư, họ dám đùa giỡn với báu vật...”.
“...Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị trao cho họ trọng trách. Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ. Ông quan nào thuộc hạng ô lại thì lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng ưu đãi và quan trường cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà bị xử phạt. Làm như vậy, con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được...”.
Vũ Kiệt nêu trách nhiệm của quan cấp trên và sự gương mẫu của cấp trên như một nguyên lý tự nhiên cho toàn bộ hệ thống quan lại. Ông viết: “Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải người tốt mà muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong”.
Bài thi văn sách của Trạng nguyên Vũ Kiệt còn đề cập đến nhiều vấn đề trong đời sống xã hội như: Giáo dục, đạo làm thầy, phong tục và thuần hóa phong tục, về lễ nghi, thứ bậc, những quy phạm, chuẩn mực về đạo đức, pháp luật... Một bài văn tuy không phản ánh hết tư tưởng, trí tuệ của Trạng nguyên Vũ Kiệt nhưng đã bộc lộ tri thức toàn diện và cho thấy cả nghị lực, dũng khí của bậc trí nhân quân tử. Sau khi đỗ trạng, Vũ Kiệt trở thành một vị quan tài đức vẹn toàn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp “kinh bang tế thế”, có sức mạnh cổ vũ, soi sáng mãi muôn sau.

Thuận Thảo
(Theo “Văn hiến Kinh Bắc”)