Ngành GD-ĐT Bắc Ninh đạt và vượt 5/6 mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

11/09/2024 15:15 Số lượt xem: 355
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 6 mục tiêu chủ yếu thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

Tính đến đầu năm học 2024-2025, ngành GD-ĐT đã thực hiện đạt và vượt 5/6 mục tiêu; 1/6 mục tiêu dự kiến hoàn thành trong năm 2025, cụ thể là: Mục tiêu trẻ trong trường mầm non được học bán trú hiện đạt 99,7% (vượt chỉ tiêu); mục tiêu học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, hiện đạt 100% (đạt chỉ tiêu); mục tiêu học sinh phổ thông trong đối tượng học môn ngoại ngữ là môn bắt buộc được học 100% (đạt chỉ tiêu); mục tiêu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bình quân hằng năm (tính trung bình đến năm 2024) đạt 99,5% (vượt chỉ tiêu); mục tiêu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non thể thấp còi hiện đạt dưới 3,0% (trong đó trẻ nhà trẻ 2,1%, trẻ mẫu giáo 2,5%) (vượt chỉ tiêu).

 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo (Tp Bắc Ninh) trong lễ khai giảng năm học 2024-2025.

 

Mục tiêu 6 là tỷ lệ trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 chiếm 85% (hiện đã đạt 80%, dự kiến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu 85%).

Cùng với các chỉ tiêu được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ Sở GD-ĐT cũng đề ra các mục tiêu riêng và đến năm học 2024-2025, đã hoàn thành 4/6 mục tiêu; 2 mục tiêu chưa đạt liên quan đến xây dựng Đảng và xếp loại đảng viên. Điểm nhấn của GD-ĐT Bắc Ninh từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, là đã nỗ lực vượt lên khẳng định điểm sáng toàn quốc cả về phong trào và chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic khu vực và quốc tế; chất lượng các kỳ thi tốt nghiệp THPT; xây dựng trường chuẩn quốc gia các cấp; chuẩn và nâng chuẩn đội ngũ giáo viên theo Luật Giáo dục 2019; chất lượng phổ cập giáo dục...

Hạn chế của ngành là do áp lực tăng dân số dẫn đến nhiều trường, lớp học bị quá tải về số lớp và số học sinh/lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện; số lượng trường phổ thông ngoài công lập ít; chưa có trường THPT ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia; tình trạng thiếu giáo viên mầm non và tiểu học, giáo viên dạy các môn theo Chương trình mới cấp THCS, THPT; cơ chế chính sách nhà giáo còn vướng mắc; định mức bình quân số lượng học sinh/lớp để xác định số lượng giáo viên còn bất cập... Để khắc phục những khó khăn nói trên cần sự quan tâm của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD-ĐT với các ngành hữu quan, các địa phương theo từng lộ trình cụ thể.

Thanh Tú

Người tốt việc tốt