Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng
Trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất giá trị gia tăng 10%) từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023 (tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023). Qua 3 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9), chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng. Qua đó góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay tại Bắc Ninh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 33,8%, tổng vốn tăng 59,7%, doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 5,1%.
Thời gian tới, tình hình thế giới được dự báo phức tạp, khó lường, trong đó tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp. Không nằm ngoài tác động đó, nền kinh tế của cả nước cũng như Bắc Ninh (là địa phương có độ mở kinh tế lớn và hội nhập sâu rộng) sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động thương mại quốc tế sụt giảm. Trong bối cảnh ấy, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục chính sách này, thời gian áp dụng từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 30-6-2024. Đến ngày 17-10, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7866/VPCP- KTTH, theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024. Như vậy, 17.919 doanh nghiệp đang hoạt động và 5.436 đơn vị trực thuộc trong tỉnh sẽ có thêm cơ hội để thụ hưởng chính sách này.
Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác như Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03-10-2023 (giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2023) đang tạo điều kiện lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần giảm chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Trong đó sức khỏe của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hay nói cách khác, doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mới khỏe. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc Nhà nước tiếp tục trợ lực cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, được đánh giá là cần thiết. Việc giảm loại thuế này sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trong thời gian qua.