Tiên Du xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi

03/09/2024 18:58 Số lượt xem: 483
Những năm gần đây, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình trên bờ bãi sông; xây dựng nhà ở, trang trại lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện Tiên Du.

Để bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, nâng cao hiệu quả tưới, tiêu cho các công trình thủy lợi, huyện Tiên Du chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tự nguyện tháo dỡ, tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình vi phạm, trả lại hành lang an toàn cho hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi.
Tuyến đê tả Đuống đoạn qua địa bàn xã Tri Phương từ lâu đã tồn tại nhiều trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê, trong đó điển hình hộ ông Đặng Công Hiền xây dựng 2 hố có diện tích từ 135 đến 300m2 tập kết vật liệu xây dựng. Hằng năm, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Quản lý đê điều huyện kiểm tra, phát hiện, lập biên bản yêu cầu hộ vi phạm tự nguyện tháo dỡ. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của các hành vi vi phạm, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa đồng bộ nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có 6 trường hợp vi phạm cần thực hiện giải toả.
Bước vào mùa mưa bão năm nay, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, xã thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi. Đến nay, toàn xã có 3 trường hợp vi phạm, lấn chiếm hành lang đê tự nguyện tháo dỡ, trả lại hành lang an toàn cho tuyến đê.

 

Tình trạng xây dựng công trình lấn chiếm lòng kênh thuỷ lợi vẫn diễn ra tại nhiều địa phương của huyện Tiên Du cần được xử lý theo lộ trình.


Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Du, từ năm 2021 đến hết tháng 7- 2024, toàn huyện tồn tại 110 trường hợp xây dựng công trình vào phạm vi bảo vệ kênh mương. Hạt Quản lý đê Tiên Du tiến hành lập biên bản đề nghị các xã, thị trấn xử lý 62 trường hợp, tuy nhiên vẫn còn 50 trường hợp vi phạm tồn tại. Ngoài ra, từ năm 2020 trở về trước, toàn huyện có 139 trường hợp vi phạm hành lang đê điều cần giải toả. Các trường hợp vi phạm đê điều, công trình thuỷ lợi là nguyên nhân gây mất an toàn đê, ảnh hưởng hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, cản trở dòng chảy, nguy cơ gây úng ngập cho sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Công Chuyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Du: Tình trạng lấn chiếm lòng kênh, đổ xả bừa bãi rác thải xuống các công trình thủy lợi làm giảm khả năng tiêu thoát nước từ nội đồng đến các công trình đầu mối trong mùa mưa bão nên trong vài năm trở lại đây sản xuất vụ mùa của huyện thường xuyên bị úng ngập cục bộ. Cùng với đó, tình trạng lấn chiếm bờ bãi sông, xây dựng công trình trên hành lang đê đe doạ sự an toàn của hệ thống đê trên địa bàn huyện.
Ngay từ đầu mùa mưa bão, huyện Tiên Du xây dựng kế hoạch và kiện toàn Ban chỉ đạo xử lý vi phạm đê điều, công trình thuỷ lợi do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, thành viên gồm các phòng, ban, đơn vị chức năng, chủ tịch UBND các xã, thị trấn để xảy ra vi phạm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tiến hành rà soát, phân loại, kiện toàn hồ sơ, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh sách các vi phạm, kiện toàn hồ sơ, xác định mốc thời gian xử lý giải toả, cưỡng chế đối với từng trường hợp, thời gian xử lý tập trung từ ngày 1-8 đến ngày 1-9. Do có sự chỉ đạo quyết liệt, đến nay có 10 trường hợp vi phạm Luật Đê điều tự nguyện giải toả,  20 trường hợp vi phạm Luật Thuỷ lợi tự nguyện tháo dỡ trả lại mặt bằng, tạo hành lang thông thoáng, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão, hiệu quả tưới tiêu của các công trình thủy lợi với sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi ngay trong mùa mưa bão vẫn phát sinh; một số địa phương chậm xử lý, thiếu quyết liệt nên chưa thể giải tỏa vi phạm; một số trường hợp vi phạm tiến hành xây dựng tập trung trong thời gian ngắn, vào ngày nghỉ nên khi lực lượng chức năng phát hiện ra thì công trình vi phạm hoàn thành, gây khó cho công tác xử lý. Để từng bước xử lý vi phạm đê điều, công trình thuỷ lợi, trong thời gian tới, huyện Tiên Du tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát và phân loại tất cả các trường hợp vi phạm. Xây dựng phương án và tổ chức giải tỏa, cưỡng chế với các trường hợp không tự giác theo lộ trình từ nay đến hết năm 2026 phải xử lý triệt để toàn bộ vi phạm còn tồn tại theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tuyệt đối không để phát sinh thêm vi phạm mới.

Nguyễn Tuấn

Kinh Tế