Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão YAGI

18/10/2024 17:06 Số lượt xem: 63
Hơn 1 tháng sau cơn bão số 3 (YAGI) đổ bộ gây hậu quả nặng nề đến ngành Nông nghiệp của tỉnh với thiệt hại ước tính khoảng 1.030 tỷ đồng. Hiện nay, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

HTX Quang Tiến, xã Đại Đồng Thành (thị xã Thuận Thành) chăm sóc 700 cây bưởi bị ảnh hưởng do bão số 3.

 

Trang trại nông nghiệp công nghệ cao Huế farm, thôn Bằng Lục, xã Thuỵ Hoà (Yên Phong) chuyên trồng các loại dưa lưới, dưa chuột baby, cà chua trong nhà kính quy mô hơn 7.000 m2. Do ảnh hưởng bão số 3 toàn bộ trang trại bị tốc mái, nhiều diện tích khung cột bị đổ, hơn 11.500 gốc dưa lưới chuẩn bị cho thu hoạch bị thiệt hại. Bà Nguyễn Thị Huế, chủ trang trại cho biết: “Thiệt hại ước tính cả tỷ đồng, hiện nay chúng tôi đã cơ bản hoàn thành khắc phục những thiệt hại do bão gây ra, dự kiến khoảng 1 tuần nữa có thể trồng lại dưa lưới, từng bước ổn định sản xuất. Để sớm phát triển trở lại, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí giúp người dân giảm bớt thiệt hại”.
Toàn bộ trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp, quy mô 8,5 ha của HTX Quang Tiến, xã Đại Đồng Thành (thị xã Thuận Thành) bị ngập úng, khoảng 700 cây bưởi, 10.000 cây đinh lăng, 3 ha ao nuôi cá và 600 m2 chuồng trại chăn nuôi lợn ngập trong nước, ước tính thiệt hại khoảng 5,5 tỷ đồng. Ông Phạm Công Quang, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Thiệt hại do bão số 3 gây ra với HTX rất lớn, công sức gây dựng trang trại gần 10 năm qua của HTX đã bị cơn bão, nước lũ cuốn trôi. Hiện nay, HTX đang tập trung nỗ lực don dẹp, khắc phục những thiệt hại do bão, lũ gây ra. Khoảng 10.000 cây đinh lăng bị thối rễ, buộc phải chặt bỏ; 700 cây bưởi diễn hơn 10 năm tuổi được cắt ngọn, bón thuốc kích thích sinh trưởng rễ; diện tích chuồng trại được xây dựng lại để sớm chăn nuôi trở lại”.
Bão số 3 mạnh nhất trong 30 năm qua đổ bộ vào địa bàn tỉnh gây thiệt hại rất lớn tài sản, sản xuất, đời sống của nhân dân. Lĩnh vực chăn nuôi có gần 110.000 gia súc, gia cầm bị chết, nước lũ cuốn trôi, thiệt hại ước tính 12,3 tỷ đồng; lĩnh vực thuỷ sản có gần 4.500 tấn thuỷ sản tại các lồng, bè nuôi trên sông và ao hồ bị chết, cuốn trôi, thiệt hại ước tính gần 270 tỷ đồng; lĩnh vực trồng trọt có gần 12.000 ha ngô, đậu tương, rau màu, cây ăn quả, hoa cây cảnh; hơn 300.000 m2 nhà lưới, nhà kính bị sập, thiệt hại ước tính 640 tỷ đồng; lĩnh vực lâm nghiệp thiệt hại 106 ha cây rừng, giá trị thiệt hại gần 6,5 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trước những thiệt hại to lớn mà bão số 3 gây ra, ngành Nông nghiệp đã tích cực chỉ đạo ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống của người dân. Ngoài việc chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật phục hồi đối với các diện tích, cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản bị ảnh hưởng do bão nhằm hạn chế tối đa thiệt hại, Sở Nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại. Chỉ đạo các địa phương thu gom rác thải, chất thải, vật nuôi chết theo quy định, bảo đảm tránh ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh; trước mắt thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động giết mổ, vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường…Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản chăm sóc đàn vật nuôi, thuỷ sản, tu sửa, khôi phục chuồng trại, lồng bè, ao đầm, công trình phụ bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, vật tư đầu vào trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tái đàn khi điều kiện cho phép Chủ trì, phối hợp với sở Tài chính, các tổ chức đoàn thể và các địa phương rà soát, tổng hợp chính sách hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đối chiếu với các chính sách của Trung ương, chính sách của tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh và các quy định khác để làm cơ sở đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất. Đến nay sản xuất nông nghiệp đã cơ bản ổn định trở lại.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thuỷ sản, 661/661 lồng nuôi cá trên sông bị ảnh hưởng nhẹ được gia cố, sửa chữa để chăm sóc đàn cá nuôi ổn định; 132/273 lồng nuôi cá trên sông bị thiệt hại nặng được sửa chữa xong, thả nuôi cá giống lứa mới, số lồng nuôi còn lại đang được sửa chữa, đóng mới; các cơ sở nuôi cá trong ao đất tập trung tu sửa bờ, tát dọn cải tạo, chuẩn bị cá giống thả nuôi vụ mới.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, diện tích lúa bị ảnh hưởng được người dân tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để lúa nhanh phục hồi, cho năng suất cao; diện tích rau màu, cây ăn quả được vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị cây con giống bảo đảm năng suất; diện tích nhà màng nhà lưới, nhà kính bị tốc mái cơ bản được sửa chữa, xây dựng lại, chuẩn bị đưa cây con giống vào sản xuất.
Những thiệt hại do bão số 3 gây ra cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh được đánh giá vô cùng nặng nề, to lớn. Tuy nhiên với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, cùng sự quyết tâm, đồng lòng của các doanh nghiệp và nông dân, tin tưởng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được phục hồi và ổn định trở lại, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Nguyễn Tuấn

Kinh Tế