Tạo chuỗi liên kết khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”

10/05/2024 17:20 Số lượt xem: 521
Sự kiện nhà máy Visakan tại CCN Đông Thọ (thành viên của Tập đoàn Hùng Nhơn) tổ chức thành công Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo (Halal) vào đầu tháng 5 vừa qua đánh dấu cột mốc quan trọng của Visakan nói riêng và của tỉnh Bắc Ninh nói chung trong việc nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu, mà còn góp phần tạo chuỗi liên kết khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”, để hướng tới một nền sản xuất an toàn, bền vững.

Ngành chăn nuôi đang chuyển dịch mạnh theo hướng liên kết sản xuất từ con giống- thức ăn- cơ sở chăn nuôi (trang trại và nông hộ) - giết mổ - chế biến - thương mại sản phẩm. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi cũng thuận lợi hơn do các nước tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA bắt buộc phải mở cửa thị trường đối với nhiều sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến. Chính sách mở cửa tạo môi trường đầu tư và điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới phát triển tại Việt Nam. Nhờ vậy, chăn nuôi theo mô hình trang trại, công nghiệp ngày càng tăng, các sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi khép kín luôn mang giá trị cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhu cầu tiêu thụ của thị trường…

 

Dây chuyền sản xuất vắc xin và thuốc thú y tại nhà máy Visakan Bắc Ninh.


Tại Bắc Ninh cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp đưa tỉnh trở thành một cực tăng trưởng của cả nước, ngành nông nghiệp cũng có nhiều bước phát triển phù hợp với thực tiễn và hội nhập kinh tế, với mức tăng 2,8% trong năm 2023. Trong đó ngành chăn nuôi có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của khu vực. Năm 2023 tổng đàn trâu, bò hơn 22,78 nghìn con; đàn gia cầm 5,9 triệu con; đàn lợn 301 nghìn con. Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đạt 81 nghìn tấn, tăng 2%. Toàn tỉnh hiện có 80 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất; 5 cơ sở chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 6 doanh nghiệp chăn nuôi được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng phải đối mặt với nhiều dịch bệnh phức tạp như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... Nếu không bảo đảm các yếu tố an toàn sinh học sẽ phát sinh các loại dịch bệnh, kháng kháng sinh sẽ gia tăng, tác động lớn đến chuỗi cung ứng. Cùng với đó là biến đổi khí hậu làm gia tăng các loại hình khí hậu cực đoan và vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi. Giá cả nguyên liệu tăng cao và hoạt động vận chuyển cung ứng sản phẩm bị tác động mạnh gây biến động lớn về thị trường, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng. Trong khi đó, các hiệp định thương mại thế hệ mới yêu cầu sản phẩm chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn mới có được lợi thế trong cạnh tranh…Trong nội tại ngành chăn nuôi cũng đang đối mặt với các loại dịch bệnh truyền nhiễm, điều này tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường. Ngoài ra còn là những thách thức đến từ việc toàn cầu hóa thị trường xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn các chuỗi cung ứng… Yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải nâng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá thành cạnh tranh.
Trước những thách thức mới, buộc các doanh nghiệp phải thích ứng linh hoạt, tìm cơ hội và giải pháp phát triển phù hợp. Trong đó, giải pháp chăn nuôi toàn diện gồm cả con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin và trang trại là hướng đi tất yếu. Với mục tiêu tạo ra chuỗi liên kết khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”, Tập đoàn Hùng Nhơn đã mạnh dạn đầu tư vào CCN Đông Thọ tại Bắc Ninh để xây dựng nhà máy sản xuất thuốc thú y, các chế phẩm sinh học tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan. Visakan đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp chứng chỉ WHO- GMP/GLP/GSP cho 2 nhà máy Non Betalactam và Betalactam và hiện có hơn 200 sản phẩm được cấp phép lưu hành trên thị trường nội địa, với đối tác là các công ty thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi thú y, thú y thủy sản. Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu 23 dòng sản phẩm đến 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo kế hoạch, năm 2024, doanh thu trên 10,7 triệu USD. Mục tiêu doanh thu cho giai đoạn 2025-2030 đạt hơn 48 triệu USD.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, cả nước hiện có  90 cơ sở sản xuất thuốc thú y dạng dược phẩm, vắc xin đã áp dụng và được cấp giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) theo nguyên tắc, quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GMP). Đây là một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành Thú y Việt Nam, điều mà không phải nước nào trong khu vực ASEAN và trên thế giới cũng đạt được. Tổng số sản phẩm thuốc thú y sản xuất đăng ký lưu hành tại Việt Nam trên 13.000 sản phẩm và trên 200 sản phẩm vắc xin thú y đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phòng, trị các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản trong nước và đã có gần 2.000 loại thuốc thú y của Việt Nam được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Phát biểu tại Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo tại Công ty Visakan Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Bắc Ninh nói riêng và ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung, đánh dấu một bước phát triển mới trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thuốc thú y theo công nghệ hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe của thị trường thế giới. Với tiềm năng và kinh nghiệm sẵn có của mình, tin tưởng, trong thời gian tới Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của Nhà máy tại Bắc Ninh; nghiên cứu, quan tâm, đầu tư phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thái Uyên

Kinh Tế