Quyết liệt thu hồi, cưỡng chế nợ thuế

14/01/2024 18:31 Số lượt xem: 1151
Tính đến thời điểm khóa sổ năm 2023, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn là 1.296,6 tỉ đồng tăng 31,5% so với cùng kỳ; tỉ lệ nợ trên tổng số thu ước 5,4%. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ khiến cho số nợ thuế có xu hướng tăng lên, tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi và cưỡng chế nợ thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh): Ngay từ đầu năm, Cục Thuế xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ chi tiết đối với từng người nộp thuế theo từng địa bàn, khu vực kinh tế. Giao chỉ tiêu, trách nhiệm thu nợ đến từng bộ phận, từng cán bộ; rà soát, phối hợp xử lý tiền thuế nợ sai sót, xử lý tiền thuế nợ chờ điều chỉnh; đôn đốc thu nợ đối với người nộp thuế nợ lớn, nợ kéo dài, thực hiện cưỡng chế 100% người nộp thuế đến mức phải cưỡng chế theo quy định. Hàng tháng, đơn vị ra thông báo nợ đến 100% người nộp thuế có khoản nợ từ 31 ngày trở lên và tiến hành cưỡng chế đối với trường hợp người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ hơn 90 ngày.
Các biện pháp cưỡng chế nợ thuế được áp dụng là: Trích tiền từ tài khoản; thông báo ngừng sử dụng hóa đơn; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công khai thông tin các trường hợp người nộp thuế nợ thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Toàn ngành thuế Bắc Ninh thực hiện cưỡng chế nợ thuế 10.327 lượt doanh nghiệp, trong đó cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền tài khoản 8.970 lượt, biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 1.357 lượt doanh nghiệp. Số tiền thu được về ngân sách qua công tác thu nợ là 4.884 tỉ đồng, qua cưỡng chế nợ thuế là 151 tỉ đồng.
Theo phân tích của Cục Thuế tỉnh, khi doanh nghiệp đặc biệt khó khăn, việc áp dụng các cưỡng chế nợ thuế gặp phải nhiều vướng mắc. Một số đơn vị ngừng, nghỉ kinh doanh và bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký nên cơ quan thuế không thể thu nợ hay cưỡng chế. Hầu hết tài sản của doanh nghiệp nợ thuế đến ngưỡng cưỡng chế đều đang thế chấp tại các ngân hàng, nếu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin không kịp thời, doanh nghiệp sẽ kịp rút hết tiền gửi trong tài khoản. Trong khi đó, một số người nộp thuế có số nợ lớn kéo dài, mất khả năng thanh toán, hoặc không còn kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục ngừng hoạt động, vẫn nộp tờ khai thuế khiến tiền chậm nộp hàng tháng tăng lên.
Một số doanh nghiệp do vướng mắc về chính sách ưu đãi miễn giảm thuế chưa xử lý được kịp thời. Một số khác phát sinh nợ ảo do xác định nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất chưa đúng theo qui định. Việc tổ chức cưỡng chế nợ thuế phải huy động nhiều lực lượng tham gia, như công an, quân đội, chính quyền địa phương... nhưng thực tế không phải thành phần nào cũng tham gia được đầy đủ…
Xác định đôn đốc thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế là một phần quan trọng của hệ thống quản lý thuế, giúp bảo đảm tính công bằng và nguồn thu cho ngân sách, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai, thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy trình và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Nắm chắc tình hình nợ thuế của các doanh nghiệp, thực hiện phân loại đối với từng khoản nợ theo tính chất, đặc điểm nợ của doanh nghiệp... từ đó, áp dụng linh hoạt các biện pháp cưỡng chế phù hợp với tình hình thực tế bảo đảm có hiệu quả theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38. Tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về việc dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên... nâng cao nghiệp vụ thu hồi, cưỡng chế nợ thuế.
Bên cạnh các biện pháp “cứng rắn”, cán bộ thuế tiếp tục đôn đốc qua điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, làm việc trực tiếp, ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp,... vận động người nộp thuế nghiêm túc chấp hành pháp luật về thuế. Phấn đấu đạt mục tiêu năm 2024, kết quả thu nợ thuế của Bắc Ninh đạt chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao và tổng số nợ dưới 8% tổng số thu ngân sách trên địa bàn.

Song Giang

Kinh Tế