Kích cầu cho tăng trưởng tín dụng

20/03/2024 19:12 Số lượt xem: 599
Năm 2024 được đánh giá  nhiều khó khăn, thách thức tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư, tín dụng. Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của các tổ chức tín dụng (TCTD) chính là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm. Để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay ở các kỳ hạn.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so lãi suất thông thường; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Nổi bật là chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 2,0%/năm; Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 10.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi ngắn hạn, lãi suất thấp hơn so với sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,5%/năm; Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ các dự án đầu tư thuộc ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh với quy mô 15.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 6,0%/năm dành cho các khoản vay trung và dài hạn. Hiện quy mô tín dụng của hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh đạt khoảng hơn 40.000 tỷ đồng và có hàng chục nghìn lượt khách hàng được hưởng chính sách ưu đãi về lãi suất.

 

Khách giao dịch tại Ngân hàng Bản Việt Kinh Bắc, Bắc Ninh.

 

Đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, mới đây, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống còn từ 5,79%/năm. Đây được xem là mức lãi suất cho vay cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện nay. Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, lãi suất vay được điều chỉnh giảm còn 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung dài hạn; gói vay ưu đãi mua nhà, khách hàng hưởng ưu đãi giải ngân tới 90% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm, thời gian ưu đãi lãi suất và gia hạn gốc kéo dài tới 24 tháng. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng có thể được giảm thêm tối đa 1%/năm. Ngoài ra, SHB cũng bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng vào gói vay dành cho khách hàng lên 23.000 tỷ đồng. Đây là gói tín dụng nằm trong chương trình “Vay ưu đãi - Rồng phát tài” được SHB triển khai từ cuối tháng 1-2024 với tổng ngân sách ban đầu là 18.000 tỷ đồng, nhằm giúp người dân bổ sung vốn dự trữ hàng hóa, sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường cũng như chuẩn bị tiền để mua sắm, thanh toán, chi tiêu… Những mức lãi suất ưu đãi này áp dụng với các khoản vay mới của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong năm và kéo dài đến hết ngày 31-12-2024.
Việc giảm đồng loạt lãi suất các gói vay ưu đãi cũng như bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng tín dụng cho khách hàng cá nhân trong giai đoạn này, SHB kỳ vọng khách hàng sẽ tiếp tục được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, thủ tục đơn giản để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay. Thời điểm này, hầu hết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều giảm lãi suất cho vay khoảng 0,6% so cuối năm 2023 để thúc đẩy phát triển kinh doanh cũng như kích cầu tăng trưởng tín dụng.

 

Agribank thị xã Thuận Thành hỗ trợ khách hàng vay vốn phát triển thủy sản tại xã Mão Điền.


Ông Nguyễn Như Đôn, Giám đốc NHNN tỉnh chia sẻ: “Lãi suất cho vay giảm dần, thanh khoản dôi dư, nhu cầu vốn của khách hàng từng bước trở lại cả với doanh nghiệp và cá nhân. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 của toàn ngành Ngân hàng tỉnh, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các giải pháp tăng trưởng tín dụng, tập trung hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương để đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, chủ động triển khai hiệu quả, thiết thực việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khách hàng của chính ngân hàng mình. Đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư tại địa phương; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; đẩy mạnh thực hiện cho vay các chương trình mục tiêu quốc gia…”

Hà Linh

Kinh Tế