Giúp nông dân khôi phục sản xuất

23/09/2024 21:40 Số lượt xem: 110
Cơn bão số 3 khiến cánh đồng chuối rộng 3ha của anh Nguyễn Tiến Mạnh, xã Giang Sơn (Gia Bình) gãy đổ nghiêng ngả, nằm ngổn ngang. Công việc chặt bỏ diện tích chuối cũng mất nhiều thời gian, công sức, trong khi việc trồng lại, thay thế những cây mới để kịp vụ Tết không khả quan. Anh Mạnh chia sẻ: “Chỉ sau một đêm bão về, tất cả đã gần như mất trắng. Trước mắt, gia đình sẽ huy động nhân lực dọn dẹp, khôi phục lại dần”.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh nắm tình hình thiệt hại của các hộ nuôi cá lồng tại xã Trung Kênh (Lương Tài).

 

Tại mô hình sản xuất, chăn nuôi tổng hợp quy mô 6,7 ha của anh Nguyễn Xuân Nam, xã Bình Dương (Gia Bình) cũng ước thiệt hại hơn 7 tỉ đồng; mô hình nhà lưới trồng dưa leo, cà chua baby, ớt chuông của chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân (Lương Tài) và anh Bùi Xuân Quế, xã Nhân Thắng (Gia Bình) cũng ước thiệt hại hơn 1 tỉ đồng; nhà xưởng, kho lạnh, máy móc Công ty Cổ phần AGRITEC chế biến rau củ quả xuất khẩu và sản xuất thực phẩm của anh Nguyễn Hữu Dũng, xã Phú Hòa (Lương Tài)… cũng bị hư hỏng hoàn toàn, ước thiệt hại hơn 2,5 tỉ đồng… Anh Bùi Xuân Quế, xã Nhân Thắng (Gia Bình) cho biết: “Tôi  đã thuê thợ đến sửa chữa khu nhà màng để tiếp tục sản xuất, đồng thời tiến hành trồng mới thay thế luôn phần ớt chuông bị chết để phục vụ dịp Tết. Việc trồng dưa cũng phải thực hiện song song công việc vừa chờ sửa nhà màng rồi trồng lại cho kịp thời…”.
Thời điểm này các hộ dân đang dồn lực khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất sau bão, đồng thời đưa vào trồng thay thế nhanh một số cây rau màu bị ngập, chết cho kịp thời vụ. Hội Nông dân (HND) tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời nắm bắt và phản ánh thông tin, tổng hợp chi tiết những thiệt hại do bão gây ra đối với đời sống và sản xuất của hội viên, nông dân; trực tiếp đi thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những khó khăn của hội viên, nông dân đang gặp phải; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của hội viên, nông dân để hỗ trợ và tham mưu các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ nông dân sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, từng bước khôi phục sản xuất trở lại. Đồng thời, tổ chức các Đoàn công tác đến trực tiếp các địa bàn, rà soát, tổng hợp, đánh giá thiệt hại đối với các hộ nông dân vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, kịp thời có phương án xử lý theo quy định.
Song song, Hội tổ chức hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cá lồng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại huyện Lương Tài có 42 hộ nuôi cá lồng trên sông tập trung chủ yếu ở xã Trung Kênh và xã An Thịnh với sản lượng gần 1.700 tấn cá gồm: trắm, chép, lăng, điêu hồng… Đến kỳ thu hoạch, do nước sông dâng cao ảnh hưởng dẫn đến tình trạng cá yếu, chết. HND huyện Lương Tài và xã Trung Kênh phối hợp với các ngành hỗ trợ các hộ vận chuyển cá, tiêu thụ được khoảng 300 tấn. Tại xã Song Giang, huyện Gia Bình có khoảng 200 lồng bị ảnh hưởng của bão với sản lượng 1.100 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng. Tại thị xã Thuận Thành có 68 lồng cá bị thiệt hại với số lượng khoảng 74 tấn, ước tính thiệt hại gần 10 tỷ đồng… HND các cấp trong tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cùng các ngành chức năng khẩn trương đẩy mạnh biện pháp hỗ trợ sửa chữa các lồng nuôi và hỗ trợ tiêu thụ cho các hộ nuôi cá bị ảnh hưởng của bão. Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết, Chủ tịch HND tỉnh chia sẻ: Với những khó khăn, tổn thất của hội viên, nông dân nỗ lực vượt qua khó khăn trong thời điểm này, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả, bảo vệ phần tài sản, hoa màu còn lại, sớm ổn định cuộc sống và tái sản xuất trở lại.
Chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai, HND các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia cùng các lực lượng địa phương trong công tác phòng chống lụt bão, tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, địa bàn xung yếu; thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa của cơ quan chức năng, phối hợp di dời trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn về người và tài sản. Đặc biệt, ngay sau khi mưa giảm, nước rút, các cấp Hội tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tiêu úng nhanh, bảo đảm không để lúa, rau màu ngập sâu trong thời gian dài; phổ biến các biện pháp kỹ thuật chăm sóc diện tích lúa, rau màu bị ngập; huy động lực lượng hỗ trợ khẩn trương thu hoạch nông sản nhằm giảm thiểu thiệt hại; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đối với chăn nuôi, khuyến cáo người dân khẩn trương sửa chữa, gia cố lại, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu trùng, khử độc môi trường, chú ý chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và sự đồng hành, vào cuộc tích cực của HND từ tỉnh đến cơ sở, hội viên, nông dân trong tỉnh sẽ sớm khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.

Quang Minh

Kinh Tế