Hạ tầng giao thông - nền tảng của sự phát triển

23/09/2024 21:47 Số lượt xem: 75
Xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, đáp ứng quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mật độ phương tiện tham gia giao thông là mục tiêu cứng trong xây dựng Tỉnh an toàn giao thông (ATGT). Quán triệt tinh thần đó, ngành Giao thông vận tải dồn lực hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng giao thông trọng điểm; tăng cường duy tu, sửa chữa, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, tạo sự thuận lợi, an toàn cho nhân dân; khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, vì một xã hội giao thông an toàn, thúc đẩy sự phát triển hài hòa, bền vững.

Phối cảnh cầu Kênh Vàng, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030.

 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Minh Hiếu khẳng định: Công tác Quy hoạch giao thông phải đặt lên hàng đầu, từ đó định hướng được chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tối ưu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Sở tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các đề án, chiến lược phát triển hệ thống giao thông thông minh. Mặt khác, chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, các tỉnh lân cận Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương nhằm rà soát hiện trạng các tuyến giao thông kết nối; đề xuất bổ sung quy hoạch các tuyến đường bộ, đường sắt đô thị kết nối các tỉnh, thành phố vào quy hoạch để tăng khả năng kết nối về giao thông giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xứng với tiềm năng.
Trong năm 2023, ngành Giao thông vận tải hoàn thành một số công trình trọng điểm như: Thông xe kỹ thuật cầu Kinh Dương Vương, ĐT.287 đoạn từ QL.38 mới đến QL.18, giai đoạn 1 mở rộng cầu Ngà. Năm 2024, xác định là năm dồn lực cho các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh, với việc triển khai tích cực dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh; dự án xây dựng ĐT.285B (đoạn từ ĐT.295, xã Đông Tiến đến QL.3 mới (Yên Phong), Nút giao hoàn chỉnh nối ĐT.285B với QL.3 mới; dự án xây dựng các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3 mới; ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2. Những dự án trọng điểm này hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2025-2026, cùng với việc khởi động mới dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vành kết nối tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Hải Dương; cầu Hồ và đường dẫn hai bên đầu cầu; cầu Chì kết nối thị xã Quế Võ với huyện Gia Bình; cầu Hà Bắc 1 kết nối tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Bắc Giang; đường cao tốc đoạn từ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đến Quốc lộ 18 (thị xã Quế Võ)… sẽ đáp ứng yêu cầu về giao thông, khắc phục điểm nghẽn, tạo động lực mới cho một Bắc Ninh năng động, hội nhập, phát triển.

 

Đôn đốc thi công đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận thị xã Thuận Thành.


Cùng với việc chủ động đôn đốc, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án, công trình giao thông trọng điểm, ngành Giao thông vận tải cũng đặc biệt chú trọng đến công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường, kịp thời khắc phục các bất cập trong công tác tổ chức giao thông. Sở phối hợp chặt chẽ với với Công an tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát thườg xuyên, thống kê các bất cập trong tổ chức giao thông, từ đó, thống nhất phương án xử lý. Xây dựng 1.892 vị trí  gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường; bổ sung 31.456m2 sơn vạch kẻ đường, 2.080 biển báo hiệu đường bộ; lắp đặt 7 nút đèn tín hiệu điều khiển giao thông; duy trì 129 cụm đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được xử lý. Tăng cường công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống đường quốc lộ được uỷ thác, đường tỉnh, đường trục chính đô thị; xử lý kịp thời sự cố, duy trì công tác trực cảnh giới tại 12 vị trí giao cắt giữa đường bộ với tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, bảo đảm ATGT. Sở thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt để có biện pháp xử lý dứt điểm, góp phần bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Xác định rõ hạ tầng giao thông là nền tảng của sự phát triển kinh tế- xã hội, ngành Giao thông vận tải đã, đang, tiếp tục dồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư các công trình có tính đột phá, bao gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, kết nối liên vùng. Huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công, tư, quyết tâm xây dựng mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ với các phương án phát triển các hạ tầng kỹ thuật khác, có tính kết nối, liên thông cao, tiệm cận với hệ thống giao thông thông minh của các đô thị lớn trên thế giới, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Hoài Anh

Kinh Tế