Gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong rà soát, xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi

11/10/2024 10:37 Số lượt xem: 357
Bão số 3 (Yagi) mạnh nhất trong 30 năm qua vừa đi qua 26 tỉnh, thành phía Bắc để lại những hậu quả nặng nề. Mặc dù phải chịu những đợt nước lũ cao vượt mức báo động 3 nhưng hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi tại Bắc Ninh vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đê điều, thủy lợi, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm Luật Đê điều và chuẩn bị sẵn sàng phương án hộ đê, chống lũ, bão, úng ngập, hạn hán năm 2024 và lâu dài cần có những biện pháp quyết liệt, cứng rắn hơn.

Thực tế cho thấy những hình thức vi phạm chủ yếu là người dân tận dụng xây dựng nhà ở tạm, nhà xưởng, lều lán, chuồng trại chăn thả gia súc, xây tường bao, xây dựng bến, bãi bốc dỡ hàng hóa; tập kết nguyên, vật liệu, vật tư phương tiện; nuôi trồng thủy sản; khai thác vật liệu xây dựng; trồng cây lâu năm… Những vi phạm này chủ yếu ở khu vực đông dân cư, vùng nông thôn, do người dân sống gần phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vi phạm làm cản trở khả năng tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng mức độ an toàn các công trình thủy lợi.
Nhằm quản lý và xử lý vi phạm, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như an toàn công trình thủy lợi, nhất là trong mùa mưa, bão, lũ, năm 2024 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều và Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với yêu cầu xử lý triệt để các vi phạm, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ đối với các trường hợp cố tình vi phạm và không tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Kịp thời ngăn chặn, đình chỉ ngay các trường hợp vi phạm, tái vi phạm, trả lại mặt bằng ban đầu cho công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai. Đặc biệt là gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương (xã, thôn) trong công tác rà soát, xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn.
Trên cơ sở này, các sở, ban, ngành, địa phương và Công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xử lý những vi phạm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm giải tỏa, xử lý triệt để hành vi vi phạm về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, nhất là những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi để nhân dân nắm được các quy định của pháp luật nhằm hạn chế vi phạm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố đầy đủ thông tin các trường hợp đã lập biên bản vi phạm từ trước đến nay. Lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi sau khi giải tỏa đối với từng trường hợp cụ thể. Các địa phương cần tăng cường phối hợp lực lượng công an nhằm phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm, kịp thời các vi phạm phát sinh, chủ động áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, lập biên bản, thông báo, kiến nghị và phối hợp chính quyền các cấp để tăng cường xử lý…

Hoàng Mai

Kinh Tế