Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội

20/06/2024 22:27 Số lượt xem: 216
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới từng thời kỳ và bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng  chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ  năm 2014 đến nay đạt 6.070 tỷ đồng, gần 214.144 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 4.381 tỷ đồng, bằng 79.5% doanh số cho vay. Đến hết tháng 4-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.053 tỷ đồng, tăng 2.313 tỷ đồng so năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 10%, hơn 78.307 khách hàng còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 51.8 triệu đồng, tăng 33,11 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

 

NHCSXH tỉnh công khai các chương trình tín dụng ưu đãi tại điểm giao dịch xã.

 

Điểm nổi bật ngay sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, UBND các cấp quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hằng năm, UBND tỉnh và 8/8 huyện, thị xã, thành phố chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 617,499 tỷ đồng, tăng 581,679 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 15,5% tổng nguồn vốn, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,4%. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách Tỉnh ủy thác là 554.750 tỷ đồng, tăng 518,930 tỷ đồng so với năm 2014, nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác là 62.750 tỷ đồng, tăng 62,650 tỷ đồng so với năm 2014. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp; đến nay, có 218 thành viên tham gia hoạt động Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, trong đó cấp tỉnh có 12 thành viên; cấp huyện 206 thành viên (trong đó có 126 thành viên là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn). Trong 10 năm qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp đã thực hiện kiểm tra 110 lượt huyện; 1.752 lượt xã; 5.099 lượt thôn; 10.333 lượt tổ và 38.802 lượt khách hàng vay vốn. Giai đoạn từ 2015 đến nay, mặc dù một số thời điểm gặp khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ngành liên quan, đã tập trung được nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp hơn 572 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; giúp 97.760 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 65.918 hộ gia đình vay vốn học sinh sinh viên, 444.334 hộ vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, 52.226 hộ vay vốn giải quyết việc làm, 13.551 hộ gia đình vay vốn chương trình cho vay Nhà ở xã hội (bao gồm nhà ở theo QĐ 167/2008,QĐ 33/2015, Nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 NĐ-CP), 71 hộ vay vốn chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 40, ngoài việc tập trung thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, NHCSXH cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với chính quyền và các hội đoàn thể, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hà Linh

Kinh Tế