Chính sách hỗ trợ tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp

11/10/2024 10:39 Số lượt xem: 359
Nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 7-7-2022 “Quy định về hỗ trợ phát triển nông nghiệp Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Ngay sau đó các sở, ban, ngành chức năng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đưa Nghị quyết vào cuộc sống, giúp cho người dân Bắc Ninh tiếp cận được các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống.

Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND tỉnh tạo động lực giúp nông dân chuyển đổi sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ.

 

Kết quả, từ năm 2022 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ đạt gần 373,12 tỷ đồng, góp phần làm tăng giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản/1 ha canh tác từ 144,9 triệu đồng năm 2021 (khi chưa ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND) lên 148,2 triệu đồng năm 2023. Mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức, diện tích nông nghiệp bị thu hẹp để chuyển đổi cho các KCN, khu đô thị... nhưng tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng 506,42 tỷ đồng, từ 8.247,8 tỷ đồng năm 2021 lên 8.754,22 tỷ đồng năm 2023. Năng suất lao động tăng từ 177 triệu đồng/lao động năm 2021 lên 224,7 triệu đồng/ lao động năm 2023 (tăng 47,7 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng hơn 1 triệu đồng, từ 3,832 triệu đồng năm 2021 lên 4,841 triệu đồng năm 2023. Giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đạt trung bình khoảng 6.400 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, an ninh lương thực được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao….
Nhờ tác động của chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, giá trị. Trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh hiện có 270 vùng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2 ha trở lên, tăng gần 200 vùng so với năm  2021; 94 vùng sản xuất cây ăn quả; 60 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính; 2.441 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô từ 3 ha trở lên, trong đó số vùng sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng cao tập trung làa 1.412 vùng tổng diện tích gần 15 nghìn ha, tăng 307 vùng so với năm 2021; 112 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tăng 40 cơ sở và tăng 193,25 ha so với năm 2011… Việc hình thành ngày càng nhiều vùng sản xuất cây trồng năng suất, chất lượng cao tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất giúp giảm chi phí công lao động, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chủ động thời vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, có 89 cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 720 tấn; đã hỗ trợ đàn cá giống bố mẹ cho các đơn vị sản xuất giống thủy sản giúp các hộ nuôi trồng thuỷ sản bổ sung từ nguồn cá hậu bị tuyển chọn hằng năm góp phần nâng cao năng suất, sản lượng thuỷ sản. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản giảm từ 4.854 ha xuống còn 4.598 ha nhưng sản lượng thuỷ sản lại tăng thêm 1.717 tấn. Công tác hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật được tập trung triển khai, nhờ đó các ổ dịch bệnh nguy hiểm được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định, không để lây lan ra diện rộng, hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước….
Về chương trình OCOP được các sở ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Các sản phẩm OCOP được hoàn thiện, nâng cấp từ chất lượng đến mẫu mã bao bì, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng quy mô, năng lực sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu, lao động, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Chương trình OCOP từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể trong việc tổ chức lại sản xuất một cách đồng bộ, khoa học, áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 174 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó 108 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 66 sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Về ngành nghề nông thôn, toàn tỉnh có 65 làng nghề gồm: 41 làng đạt tiêu chí làng nghề truyền thống, 24 làng đạt tiêu chí làng nghề, trong đó có 5 làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống và 21 nghệ nhân được công nhận. Từ năm 2022 tỉnh đã chi thưởng 3,42 tỷ đồng cho tổ chức cá nhân có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, nghệ nhân, thợ giỏi. Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030”.
Những con số trên là minh chứng thuyết phục khẳng định chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, qua quá trình triển khai cho thấy, các địa phương thực hiện đúng chủ trương, chính sách của tỉnh; các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ các nội dung trên đều thực hiện đúng cam kết duy trì sản xuất theo quy định của Nghị quyết. Để bảo đảm chính sách hỗ trợ được thực hiện có hiệu quả, thời gian tới các địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của các cơ sở đảm bảo đúng quy định.

Thái Uyên

Kinh Tế