Cần thêm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

08/03/2024 15:41 Số lượt xem: 415
Qua 2 tháng đầu năm, mặc dù thanh khoản dồi dào, lãi suất điều chỉnh hợp lý nhưng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Các ngân hàng chủ động triển khai giải pháp nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn nhàn rỗi, tổng nguồn vốn huy động đạt 232.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác cho vay được triển khai tích cực ngay từ đầu năm, tổng dư nợ cho vay ước 163.000 tỷ đồng, tăng 10,2%. Cơ cấu tín dụng nhìn chung duy trì theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp và người dân, phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng dư nợ các lĩnh vực nông nghiệp- công nghiệp xây dựng- thương mại dịch vụ tương ứng là 3,6%; 32,3%; 64,1%...

Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chưa được như kỳ vọng không phải từ cơ chế chính sách của ngân hàng hay lãi suất mà do cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn thấp. Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, đầu tư tư nhân còn hạn chế, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay. “Sức khỏe” doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi là trở ngại lớn đối với khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Cụ thể như số doanh nghiệp thành lập mới tuy tăng 24,8% nhưng số vốn đăng ký lại giảm 20% so cùng kỳ; trong khi đó số doanh nghiệp giải thể tăng tới 63,8% và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 35,1%...
Để tạo động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, NHNN cần tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng mới được ban hành; các văn bản, Nghị định hướng dẫn để bảo đảm chỉnh sửa theo Nghị định, Luật, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng. Tăng cường công tác chuyển đổi số trong quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) cần thực hiện các giải pháp mở rộng và tăng trưởng tín dụng trên cơ sở khai thác và sử dụng vốn hiệu quả. Tạo điều kiện cho khách hàng hiện hữu sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ khách hàng thông qua việc đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng. Tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và xu hướng giảm lãi suất bình quân đầu vào của mỗi TCTD, với tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng phát triển. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng vào nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, nhóm ngành đang có xu hướng tăng trưởng tích cực như: kinh tế số, kinh tế xanh, dịch vụ, đô thị... Cùng với các giải pháp kích thích nhu cầu vay vốn trên cơ sở kích thích sản xuất kinh doanh, cần quan tâm khai thác mảng tiêu dùng nội địa, bởi đây cũng là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để mở rộng cho vay. Chính khu vực này đang dần trở thành một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế những năm gần đây.
Bên cạnh tạo những thuận lợi về lãi suất, về thị trường tiền tệ, về hạn mức tín dụng, các TCTD cần tổ chức thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, các sản phẩm tín dụng linh hoạt, hấp dẫn và thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp để kích thích doanh nghiệp đầu tư, vay vốn mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Về phía người dân, doanh nghiệp cần tích cực thực hiện giải pháp tái cơ cấu hoạt động, chứng minh được sự khả thi của các dự án; minh bạch, tăng cường năng lực tài chính để các tổ chức TCTD thẩm định và cung ứng dịch vụ vốn vay một cách thuận lợi trong thời gian tới.

Thái Uyên

Kinh Tế