Bức tranh kinh tế quý I những mảng sáng, tối đan xen

04/04/2024 20:05 Số lượt xem: 807
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024, tỉnh triển khai đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Kinh tế Bắc Ninh tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2023 nhưng vẫn còn những mảng tối đan xen.

Nhìn vào bức tranh kinh tế quý I cho thấy nhiều mảng sáng tích cực. Sự hồi phục nổi bật được thể hiện trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ diễn ra sôi động, duy trì đà tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý ước đạt 24.668 tỷ đồng tăng 6% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước 18.804 tỷ đồng, tăng 4%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống 2.158 tỷ đồng; du lịch lữ hành 69,5 tỷ đồng, tăng gấp 5,7 lần; doanh thu dịch vụ 3.636 tỷ đồng, tăng 23,2%. Vốn FDI chảy vào Bắc Ninh đạt khoảng  835 triệu USD, tăng gấp 1,9 lần số dự án cấp mới so cùng kỳ; tổng doanh thu vận tải ước 2.993 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ.
Điểm đáng nói đó là, bước sang tháng 3, ngành công nghiệp- khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh bắt đầu tăng trưởng trở lại, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 35,4% so tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng tương ứng là 35,6% và 7,3%. Xuất khẩu cũng chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ, kim ngạch ước đạt 3 tỷ USD, tăng 27,6% so tháng trước. Đặc biệt sự phục hồi xuất khẩu ở một số nhóm hàng chủ lực như điện tử và linh kiện là điểm tựa quan trọng cho tăng trưởng. Tương tự, kim nhập khẩu hàng hóa cũng tăng cao, ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 21% so tháng trước, con số này phản ánh nhu cầu đầu vào của doanh nghiệp đang phục hồi tương đối tốt, tạo đà cho tăng trưởng trong những tháng tiếp theo. Cùng với đó là tổng doanh thu vận tải trong quý ước đạt 2.993 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước ước 10.821 tỷ đồng, đạt 34,6% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ…

 

Sản xuất linh kiện điện tử tăng 49,3% trong tháng 3.


Mặc dù sản xuất công nghiệp và xuất khẩu có sự phục hồi từ tháng 3, song tính chung cả quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn giảm 8,7%; kim ngạch xuất khẩu giảm 11,4%; chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm 1,8%, riêng khu vực FDI giảm 2,2%; giải ngân vốn đầu tư công chậm mới đạt hơn 4%... dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm 3,83%. Ngoài ra, 3 tháng đầu năm, cả tỉnh thành lập mới 675 doanh nghiệp, tăng 8% so cùng kỳ, với tổng vốn 6.419 tỷ đồng; nhưng lại có 134 doanh nghiệp giải thể (tăng 67,5%) và 930 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 31,2%). Điều này đặt ra nghịch lý so bức tranh phục hồi của nền kinh tế. Nhìn theo góc độ khác, nghịch lý này không khó giải thích. Bởi cộng đồng doanh nghiệp gánh chịu những tác động sâu sắc và đa chiều trong hơn 3 năm qua, khó khăn thách thức liên tục ập đến dẫn đến nội lực doanh nghiệp suy kiệt, cũng bị xói mòn đáng kể. Sự suy giảm trong bức tranh kinh tế quý I cũng được phản ánh qua con số tăng trưởng tín dụng, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ. Mặc dù lãi suất cho vay giảm thấp trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng doanh nghiệp lại ngại vay vốn vì sản xuất vẫn bí đầu ra, lợi nhuận làm ra không đủ bù đắp chi phí. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu…
Trước bối cảnh thách thức từ nội tại và trên thế giới, để phục hồi kinh tế, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, từ đó, niềm tin của thị trường sẽ được khôi phục và tăng cường năng lực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Kích cầu tiêu dùng, du lịch; đầu tư, phát triển hạ tầng, thu hút FDI chất lượng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trên địa bàn nâng cao năng lực và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững; phát triển các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, chú trọng phát triển, thu hút các nhà đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ logistics... Tăng cường chỉ đạo quy vùng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, sức chống chịu tốt, có giá trị kinh tế cao. Thúc đẩy các hoạt động tài chính, ngân hàng, đáp ứng nguồn vốn cho phát triển. Thực hiện nhất quán các biện pháp và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế nhằm tăng thu cho ngân sách; thúc đẩy tăng nguồn thu từ các dự án sử dụng đất trên địa bàn; quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả nguồn thu. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thái Uyên

Kinh Tế