Hiệu quả từ sự chủ động đoàn kết
Bão đổ bộ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống với dân, về tận nơi đang xảy ra sự cố. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn sau khi chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nhằm khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục đã đi kiểm tra tình hình lũ trên các sông, nắm chắc các điểm xung yếu…và ngay trong gió, mưa, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lũ phải di chuyển đến nơi an toàn. Giữa lúc nguy nan, Đảng, chính quyền và Nhân dân tạo thành một khối thống nhất, xây thành lũy lòng dân ngăn chặn dòng nước lũ. Đến với Nhân dân, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu các địa phương phải tập trung hỗ trợ tối đa cho người dân khu vực bị ảnh hưởng của bão lũ; ngành Nông nghiệp, Tài chính rà soát các thiệt hại để có sự hỗ trợ kịp thời. Theo dõi chặt chẽ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, sông, kênh mương, không để xảy ra ngập úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân vùng ngập lụt.
Bão số 3 gây thiệt hại nặng khi vào đất liền, để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. UBND tỉnh có công điện, văn bản hỏa tốc gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc thực hiện các giải pháp ứng phó với yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ triển khai, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, bảo vệ hệ thống đê điều,vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập, cung cấp điện cho các cơ sở sản xuất trọng điểm ...
Cùng với “4 tại chỗ”, lực lượng quân đội được huy động khắc phục kịp thời các sự cố đê điều, công trình thủy lợi do bão số 3 gây ra.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, ngành Nông nghiệp kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão. Tổ chức rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập nước để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng. Để đánh giá mức độ chủ động và chỉ đạo ứng phó bão của các địa phương, trước khi bão đổ bộ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị, qua đó chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh kịp thời đối với các địa phương lơ là, chủ quan trong ứng phó với bão, lụt.
Theo đó, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố chủ động kiểm tra, đôn đốc và có phương án, kịch bản bảo đảm an toàn hạ tầng đê điều, công trình giao thông, xây dựng, khu công nghiệp theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn tại các điểm xung yếu trọng điểm trước, trong và sau bão. Ngay trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng thực hiện các biện pháp ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, cẩn trọng nhất.
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Yên Phong, Gia Bình, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh xuất hiện một số vị trí nước tràn qua đê bối, nguy cơ ảnh hưởng đời sống người dân. Mưa to, gió lớn cũng khiến cho nhiều diện tích lúa, hoa màu bị đầy nước; nhiều cây xanh bị đổ; lồng bè nuôi trồng thuỷ sản cuốn trôi; nhà cửa công trình bị tốc mái; hệ thống hạ tầng điện, viễn thông bị thiệt hại làm gián đoạn thông tin và nguồn điện tại nhiều địa phương.
Thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, bão số 3 làm 52 người bị thương; hơn 12.000 công trình công cộng, công nghiệp, nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ, công trình phụ, trường học, chợ dân sinh, trụ sở các cơ quan đơn vị Nhà nước bị sập, tốc mái; 82.441 con gia cầm bị chết; 7.500 m2 chuồng trại bị tốc mái; thiệt hại 3.400 tấn thủy sản; gần 10.000 ha lúa bị đổ và đầy nước; gần 2.000 ha rau màu, cây ăn quả, hoa cây cảnh bị hư hỏng; gần 200 ha cây lâm nghiệp, rừng bị gẫy đổ; 25,98 ha nhà màng, nhà lưới bị tốc mái, hư hỏng. Mặc dù hệ thống đê chính trên địa bàn được giữ vững, nhưng toàn tỉnh xảy ra 127 sự cố đê điều, công trình thủy lợi…Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 1.000 tỷ đồng. |
Trước, trong và sau khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn tỉnh, không kể ngày, đêm, giữa mưa giông, gió giật, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương luôn trực tiếp có mặt tại các điểm nóng, khu vực xảy ra sự cố để kiểm tra, chỉ đạo ứng phó, khắc phục kịp thời. Chạy đua với tốc độ di chuyển của bão Yagi, ngay từ đầu giờ sáng ngày 7-9, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo khắc phục các sự cố do mưa bão gây ra. Kiểm tra công tác điều độ, khắc phục sự cố từ ngành điện, đơn vị chủ lực trong bảo đảm mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt, thông tin liên lạc không bị gián đoạn, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn ghi nhận nỗ lực của Công ty Điện lực Bắc Ninh trong việc ứng phó bão Yagi. Yêu cầu Công ty chỉ đạo các ca trực xử lý sự cố làm việc với tinh thần cao nhất, nhanh nhất; bảo đảm kỹ thuật, an toàn. Tập trung cấp điện cho các bệnh viện, trạm bơm tiêu úng, những mục tiêu phục vụ an ninh, quốc phòng, truyền thông. Chú trọng cấp điện cơ sở sản xuất đặc biệt quan trọng (bán dẫn, điện tử…), không để gián đoạn hoạt động sản xuất, tạo sự yên tâm và lòng tin cho các nhà đầu tư; cần bám sát tình hình cung ứng để điều hành hiệu quả, an toàn; đề xuất tỉnh các phương án hỗ trợ bảo đảm việc cấp điện và khắc phục các sự cố.
Trách nhiệm và quan tâm con người là truyền thống của dân tộc đã thể hiện ngay trong bão số 3. Những chiến sỹ bộ đội, công an xuyên đêm giúp dân di chuyển sơ tán ra khỏi vùng ngập lụt; những bác sỹ, y tá gác lại chuyện gia đình hết lòng với bệnh nhân; những công nhân ngành Điện vượt qua gió giật nối những đường dây cho dòng điện vào các khu công nghiệp; những khối cát cứ đầy lên giữ con đê quai quanh làng vững vàng trước lũ… Chúng tôi, những phóng viên thực sự trân trọng khi Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn ngay khi bão về đến thăm hỏi từng người dân khu tập thể Công ty Thuốc lá Bắc Sơn và chỉ đạo chính quyền sở tại phải sơ tán dân đến nơi an toàn, lo chu đáo lương thực, thực phẩm cho nhân dân, nhất là những gia đình có người cao tuổi, trẻ em. Cũng như thế, trên công trình thủy lợi Ngũ Huyện Khê, khi mặt công trình nứt, lún các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp xem xét, nghiên cứu và đưa ra phương án xử lý bảo đảm an toàn cho những tuyến đê.
Trong ứng phó với mưa bão, tính mạng con người luôn được đặt lên trên hết, bởi vậy khi lũ cuồn cuộn đổ về, nước các triền sông liên tục vượt các cấp báo động, tiến sát mức lũ lịch sử năm 1971 tràn qua một số tuyến đê bối nguy cơ ngập lụt, ảnh hưởng cuộc sống của người dân, ngay trong đêm, theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, cùng với lực lượng tại chỗ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Công an, Quân đội được huy động để di chuyển người dân và tài sản đến vị trí an toàn, đồng thời tham gia ứng cứu bảo đảm an toàn cho các tuyến đê.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước bão, lụt, Bắc Ninh di chuyển 655 hộ (gần 2.700 nhân khẩu) đến các vị trí an toàn. Cụ thể, thành phố Bắc Ninh di chuyển 400 hộ (1.750 nhân khẩu) thuộc khu vực đê bối Quả Cảm và Đẩu Hàn (phường Hòa Long); huyện Tiên Du di chuyển 30 hộ (104 nhân khẩu) thuộc các xã: Cảnh Hưng, Minh Đạo, Tân Chi; huyện Gia Bình di chuyển 105 hộ (395 nhân khẩu) thuộc xã Cao Đức; huyện Yên Phong di chuyển 120 hộ (500 nhân khẩu) thuộc xã Hòa Tiến. |
Hoàn lưu bão số 3 làm mức nước sông Cầu qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dâng cao. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát lệnh báo động số 3 trên triền sông Cầu vào 9 giờ sáng ngày 10-9. Công tác ứng trực, gia cố hệ thống đê bao thuộc địa phận phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) được thực hiện nghiêm túc, không chủ quan, lơ là. 50 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) cùng gần 1.000 người dân địa phương ứng cứu từ chiều ngày 10-9 cho đến gần 2 giờ sáng ngày 11-9 cơ bản gia cố hệ thống đê bối khu phố Đẩu Hàn, bảo đảm yêu cầu phòng chống lũ của cơ quan chuyên môn đặt ra.
Ảnh hưởng lũ trên sông Thái Bình, cống xả trạm bơm Văn Thai tại km9+680 đê hữu Thái Bình, xã Minh Tân (Lương Tài) xảy ra sự cố nước chảy vào hạ lưu cống với lưu lượng lớn do mực nước phía sông cao gây ra áp lực nước chảy mạnh; khu vực bể xả trạm bơm xuất hiện rò rỉ. Ngay sau đó Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Lương Tài huy động gần 2.000 lượt cán bộ chiến sỹ quân đội, công an của huyện xử lý bảo đảm an toàn cho công trình.
Đó là những minh chứng cụ thể cho công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm chắc tình hình, ứng phó mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ” giúp các địa phương hạn chế thấp nhất thiệt hại của bão số 3.
Phía sau những mất mát có thể là cơ hội để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương khẳng định thêm giá trị bằng tinh thần tự lực, tự cường vươn lên cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định về 6 điểm tựa để vượt qua siêu bão số 3, trong đó nhấn mạnh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế và Đảng ta không có một mục tiêu gì khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no cho Nhân dân.
Những đúc kết này một lần nữa được minh chứng khi Đảng, chính quyền và Nhân dân là một, chủ động chuẩn bị, bám sát diễn biến, ứng phó kịp thời, xử lý linh hoạt, chung sức đồng lòng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng… và hơn hết là tình yêu thương, chia sẻ, nghĩa đồng bào. Đây chính là những bài học, kinh nghiệm để Bắc Ninh có thể vượt qua những diễn biến khó lường trong mùa mưa lũ năm nay và các năm tiếp theo.