Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

01/10/2024 20:57 Số lượt xem: 94
Bão số 3 gây thiệt hại cho nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở các địa phương trong tỉnh. Thị trường hàng hóa cũng bị ảnh hưởng, nhất là về giá cả, nguồn cung, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng và thực phẩm tươi sống các loại… Góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi của người dân, lực lượng quản lý thị trường triển khai các giải pháp kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương triển khai biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng bán lẻ và địa điểm kinh doanh tại các chợ, tập trung vào những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng nhiều và nguồn cung sụt giảm do tác động từ bão số 3 như: Vật liệu xây dựng; lương thực, thực phẩm tươi sống, vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh... Qua đó, phát hiện và kiên quyết xử lý mạnh tay những trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, thu gom hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý để trục lợi

 

Cán bộ Quản lý thị trường kiểm tra niêm yết giá bán các mặt hàng rau, củ, quả tại Siêu thị Dabaco Từ Sơn.


Trong tháng 9, Cục Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh. Luỹ kế 9 tháng qua, Cục Quản lý thị trường trực tiếp kiểm tra và phối hợp kiểm tra, phát hiện gần 250 vụ vi phạm, trong đó 71 vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng lậu; 48 vụ hàng cấm; 47 vụ hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 20 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng… Cục Quản lý thị trường lập biên bản phạt hành chính những trường hợp vi phạm  hơn 4,3 tỉ đồng; bán hàng tịch thu gần 2,2 tỉ đồng; tịch thu, tiêu hủy và buộc tiêu hủy hàng hóa không có giá trị sử dụng trị giá hơn 8,8 tỉ đồng…
Hiện nay, thị trường hàng hóa cơ bản vẫn giữ ổn định, nguồn cung các loại hàng hóa thiết yếu bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Giá hàng hóa không có biến động lớn, trừ một số loại rau xanh tăng nhẹ do mưa bão làm rau hỏng hoặc giao thông bị chia cắt, công tác vận chuyển bị gián đoạn. Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho hay “Về cơ bản, không có hành vi lợi dụng tình hình mưa bão để găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để trục lợi”.

 

Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12-7-2024 đưa ra các mức phạt tiền từ 50-80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi. Cụ thể, phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá nhằm trục lợi; phạt tiền từ 50  -80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi…

 

Từ nay đến cuối năm Cục Quản lý thị trường mở đợt cao điểm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường chú trọng công tác điều tra, trinh sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, bán online, live stream qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…); các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa, để xác định nguồn gốc cung cấp, chào bán. Từ đó, ngăn chặn có hiệu quả và từng bước kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Thanh Ngân

Kinh Tế