Khơi dậy tiềm năng vùng đất bãi

30/09/2024 19:24 Số lượt xem: 335
Những vùng đất bãi dọc theo các tuyến sông chảy qua tỉnh Bắc Ninh được thiên nhiên ưu đãi phù sa màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh vùng đất bãi, tạo nên sức sống mới và trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô trang trại ngoài khu dân cư, bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn sinh học, nhiều mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả rõ rệt, trở thành điểm sáng, mô hình tiêu biểu không chỉ của riêng tỉnh Bắc Ninh mà cả nước, được nhiều địa phương đến học tập.
 Nhằm ổn định quy mô đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, bảo đảm đầu ra sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo mọi điều kiện để khuyến khích các tổ chức, cá nhân di dời chuồng trại ra khỏi các khu dân cư, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao, xây dựng mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh đang triển khai hiệu quả các vùng chăn nuôi trang trại tập trung như: Vùng chăn nuôi lợn xã Lạc Vệ, Cảnh Hưng (Tiên Du); Nhân Thắng, Bình Dương, Cao Đức, Vạn Ninh (Gia Bình); Nghĩa Đạo, Ninh Xá (Thuận Thành); Trung Chính, Tân Lãng, Lai Hạ (Lương Tài); Vùng chăn nuôi gà công nghiệp xã Hòa Tiến, Tam Giang, Dũng Liệt (Yên Phong), phường Tân Hồng, Tương Giang (thành phố Từ Sơn); Vùng chăn nuôi bò sữa xã Cảnh Hưng (Tiên Du), Đình Tổ, Gia Đông (thị xã Thuận Thành)...
Trong tổng số 671 trang trại, có 16 doanh nghiệp chăn nuôi, 80 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao với hệ thống chuồng lồng, chuồng kín, làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động (có 3 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất; 5 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 6 doanh nghiệp chăn nuôi trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Toàn tỉnh có 56 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi, trong đó có 15 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp và 18 Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, Câu lạc bộ chăn nuôi, đóng góp quan trọng để tạo bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

Khu chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Chí Hải quy mô khoảng 10.000 con lợn/năm.

 

Hưởng ứng chủ trương phát triển nông nghiệp trên vùng đất bãi của huyện Gia Bình sau khi chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công do gây ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức nguồn tài nguyên đất bãi bồi ven sông, gia đình ông Nguyễn Chí Hải ở thị trấn Gia Bình mạnh dạn đứng ra nhận chuyển nhượng 3,4 ha ngoài bãi đê hữu Đuống (đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, khu vực trước đây được khai thác nguyên liệu làm gạch thuộc 2 thôn: Chính Thượng và Cao Thọ, xã Vạn Ninh) để sản xuất nông nghiệp. Trong 2 năm đầu (2011 và 2012), gia đình ông Hải đầu tư nhiều tiền của, công sức để san lấp hoàn trả mặt bằng. Ngoài gieo trồng các loại cây ngắn ngày như: cà rốt, đậu tương, ngô, măng tây… gia đình ông Hải mạnh dạn chuyển hướng đầu tư chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Sau khi được chấp thuận dự án đầu tư, tiến hành các bước đánh giá tác động môi trường, xác nhận đăng ký bảo vệ môi trường… theo quy định, hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn được xây dựng tại vị trí cách chân đê hữu Đuống khoảng 200-300 mét và cách dòng chảy sông Đuống khoảng 30-40 m.
Khi mới bắt tay xây dựng trang trại, gia đình ông Hải gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sản xuất. Song với sự cố gắng nỗ lực của bản thân và giúp sức của các cấp chính quyền, đơn vị liên kết, gia đình ông Hải xây dựng được 2 khu chuồng trại quy mô 14.000 m2, mỗi năm nuôi khoảng 10.000 con lợn. Trang trại giải quyết việc làm ổn định cho hơn 30 lao động địa phương với mức lương từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trang trại nộp ngân sách Nhà nước từ 500-600 triệu đồng thuế. Bản thân ông Hải còn tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các hoạt động, các phong trào của địa phương. Ông Nguyễn Chí Hải là hộ Nông dân Việt Nam tiêu biểu, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh, huyện Gia Bình nhiều lần động viên, khen thưởng.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) làm cho nước lũ trên các tuyến sông dâng cao trên mức báo động số 3, nhiều điểm ghi nhận mức nước cao kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây. Nước lũ về nhanh khiến hầu hết các doanh nghiệp, hộ dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ven sông, trên sông không kịp trở tay. Nhiều diện tích hoa màu, lồng bè nuôi thủy sản, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… bị thiệt hại nghiêm trọng, không ít gia đình rơi vào cảnh trắng tay, mắc nợ.
Sở dĩ các doanh nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng cho các hoạt động nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao trên vùng đất bãi ven sông là vì nhiều năm qua, hầu hết các tuyến sông trên địa bàn tỉnh hiếm khi nước lũ ở mức báo động số 2. Do vậy, khi vào mùa bão lũ, người dân có tâm lý chủ quan, “không sợ mưa lũ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Hải cho biết: “Do đầu tư chăn nuôi ngoài vùng đất bãi nên để tránh ngập úng vào mùa mưa bão gây ảnh hưởng đến sản xuất, gia đình tiến hành tôn cao mặt bằng vị trí xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi cao hơn mực nước sông Đuống vào mùa khô khoảng 7 - 8m, mùa mưa vào các năm lũ ở mức bình thường khoảng 1 - 2m. Toàn bộ hoạt động của trang trại không ảnh hưởng hay có tác động cản trở đến dòng chảy của sông Đuống cũng như hành lang thoát lũ. Nhiều năm qua, hoạt động của trang trại đều an toàn kể cả vào mùa mưa bão, nước lũ dâng cao”.
Vẫn biết rằng thiên tai, bão lũ là rất khó lường. Khi thiên tai ập đến, dù có kinh nghiệm đến đâu, con người cũng rất khó chống lại sức tàn phá của mưa bão, lũ lụt. Những thiệt hại, hậu quả của cơn bão số 3 gây ra vừa qua là một minh chứng.
Tại hội nghị sơ kết, đánh giá công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bãi ven sông, nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè các tuyến sông. Trong đó, cần tư duy lại việc “Bắc Ninh là địa phương không có bão, không có lụt” để có biện pháp chủ động hơn trong công tác ứng phó với bão, tránh tâm lý chủ quan; phương án “4 tại chỗ” cần được củng cố thường xuyên, xây dựng kế hoạch phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng tại chỗ và các lực lượng vũ trang trong việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xây dựng kế hoạch sát sao hơn. Phát huy tinh thần chủ động ứng phó, công tác khắc phục hậu quả cần huy động các lực lượng tổng hợp tham gia, phản ứng nhanh hơn, nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Tham mưu cơ chế hỗ trợ, khắc phục những thiệt hại do bão lũ gây ra đối với người dân, doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất và phát triển kinh tế khu vực đất bãi trên các tuyến sông.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm thuế, gia hạn thời hạn vay vốn, tiếp tục giải ngân vốn vay mới giúp các hộ sản xuất, doanh nghiệp tu sửa trang trại, tái đàn, mua thức ăn, sớm phục hồi đàn vật nuôi, cây trồng phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Đào Khoa - Nguyễn Tuấn

Kinh Tế