Tự cải tạo mình, tự học, tự rèn để không ngừng tiến bộ

06/09/2024 14:54 Số lượt xem: 299
Với quan niệm “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, trong “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc”, ngày 7 tháng 9 năm 1957, cách nay vừa tròn 67 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng cần phải mạnh hơn bao giờ hết. Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về xã hội chủ nghĩa cao, đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể…”.

Đây là thời điểm cách mạng nước ta đang bước vào thời kỳ mới sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lúc này, miền Bắc đang trong giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa. Tình hình đó đặt ra phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ và năng lực, đáp ứng được yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nhắc nhở đối với người đảng viên phải luôn cố gắng vươn lên, không ngừng tự hoàn thiện bản thân, tự nâng cao trình độ của mình. Đây cũng là yêu cầu của Bác, trước khi muốn cải tạo xã hội, tự thân người đảng viên phải tự cải tạo mình, tự học, tự rèn để không ngừng tiến bộ.
“Tự cải tạo mình”, trước hết là bản thân mỗi đảng viên cần không ngừng tu dưỡng đạo đức - cái gốc của con người và nền tảng của người đảng viên, như lời Người nhấn mạnh: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. “Tự nâng cao mình” đó là ý thức không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để nâng cao trình độ về mọi mặt của mỗi cán bộ, đảng viên. Bác từng căn dặn, phải “ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho Nhân dân”.

 

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người. Ảnh tư liệu


Lời Bác dạy có tác dụng to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người đảng viên, trước hết đối với việc xác định động cơ, thái độ phấn đấu đúng đắn, thường xuyên, liên tục, để không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực. Đồng thời, lời dạy của Bác có ý nghĩa là phương châm hành động, mục tiêu phấn đấu cho mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi tạc biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên đã tắm mình trong thực tiễn đấu tranh đầy gian lao, thử thách để tự trau dồi trí tuệ, củng cố lập trường, nâng cao đạo đức cách mạng, trở thành những ngọn lửa dẫn dắt phong trào cách mạng.
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn, là sự định hướng cho quá trình học tập, tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên. Là người lãnh đạo, đảng viên phải là lực lượng xung kích, đi đầu, phải nêu gương về mọi mặt trong thực hiện nhiệm vụ. Muốn vậy, đảng viên cần không ngừng cải tạo mình, tự học, tự rèn để nâng cao trình độ, khắc phục những hạn chế, yếu kém để hoàn thiện bản thân. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là một tấm gương tốt cho mọi người học tập, noi theo, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực chuyên môn; thường xuyên có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện mình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao, do vậy phải có động cơ, thái độ đúng đắn, rõ ràng. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự ý thức được ý nghĩa của việc “tự cải tạo”, “tự nâng cao”, coi đó là một nhu cầu tự thân. Không tự ti, giấu dốt, luôn có thái độ cầu tiến bộ, xóa bỏ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, vì tập thể, đặt lợi ích của tập thể lên trên, lên trước.
Đồng thời, cùng với sự tự giác, chủ động “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên” của mỗi cán bộ, đảng viên như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị cần phải “tiến hành công phu, tỉ mỉ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, rèn luyện; kết hợp chặt chẽ hoạt động giáo dục, rèn luyện của các cơ quan, đơn vị với của gia đình, địa phương và xã hội tạo ra môi trường đạo đức lành mạnh”, để mỗi cán bộ, đảng viên được học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Có như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên mới thực sự mẫu mực về phẩm chất và năng lực, là tấm gương có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và đóng góp đắc lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

L.T (t/h)

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh