Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình

25/10/2024 20:54 Số lượt xem: 128
Cách nay vừa tròn 74 năm, ngày 26-10-1950 trong bài viết “Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sĩ” đăng trên Báo Cứu quốc, số 1676, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời huấn thị: “Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình. Làm như thế thì chúng ta sẽ phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa sạch khuyết điểm. Đánh thắng khuyết điểm của ta tức là đã một lần đánh thắng quân địch”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm (19-5-1955).    Ảnh tư liệu


Sau thắng lợi của các trận Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng mở ra một thời kỳ mới trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược - thời kỳ thế chủ động trên chiến trường hoàn toàn nằm trong tay quân đội cách mạng Việt Nam. Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Để khắc phục sự chủ quan, tự mãn có thể sẽ xuất hiện trong cán bộ, chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời viết thư để tri ân các liệt sĩ, thăm hỏi thương binh, động viên bộ đội và huấn thị cán bộ phải làm tốt công tác lãnh đạo việc phê bình và tự phê bình. Bởi theo Bác, muốn phát huy tốt tác dụng của phê bình, phải tự phê bình mình trước, phê bình từ trong cấp ủy, trong chi bộ đến đơn vị. Tự phê bình không phải là tự hạ thấp mình, tự “nhún nhường” mà là thể hiện trình độ nhận thức, lòng dũng cảm, sự trung thực, ngay thẳng trước tổ chức, đồng chí, đồng đội và rộng hơn là trước Đảng, trước nhân dân; là thể hiện tinh thần cầu thị, ý chí vươn lên của bản thân. Còn phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”; là tham gia đóng góp ý kiến và đưa ra cách thức để sửa chữa khuyết điểm cho đồng chí mình. Từ đó, cổ vũ đồng chí mình phát huy những cách làm hay, những việc làm tốt, đồng thời giúp nhau tìm ra biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế và sai lầm. Mục đích của tự phê bình và phê bình “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.
Ghi nhớ lời Bác dạy về đề cao tự phê bình và phê bình, nhất là với đối với đội ngũ cán bộ các cấp, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn kiên định và thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng, coi đây là nguyên tắc cơ bản xây dựng Đảng. Sự trưởng thành của Đảng ta trong hơn 90 năm qua một phần quan trọng là do Đảng luôn kiên định và thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trong đó có tự phê bình và phê bình.
Nguyên tắc tự phê bình và phê bình được thực hiện giữa cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới đối với cấp trên và cùng cấp; thể hiện qua các hình thức như: sinh hoạt chi bộ định kỳ; hội nghị chi bộ, đảng bộ thường kỳ; đại hội đảng các cấp; các đợt sinh hoạt chính trị tập trung; các báo cáo định kỳ và đột xuất của các tổ chức đảng, với tinh thần cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, không dùng phương pháp hành chính mệnh lệnh đã góp phần phát huy tốt tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp. Đồng thời, xóa bỏ những thói hư, tật xấu, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp phải luôn gương mẫu trong học tập, rèn luyện, đề cao tự phê bình và phê bình, có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, phong cách, năng lực lãnh đạo, chỉ huy tốt; có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phương pháp làm việc khoa học, khả năng phân tích, xử lý tốt các tình huống; có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và khả năng phát huy được sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị; gần gũi, sâu sát với nhân dân, được cán bộ, nhân dân tin tưởng, yêu mến, xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, được nhân dân tin yêu và kính trọng.

L.T (t/h)

Chính trị