Bâng khuâng trên đảo tiền tiêu

24/07/2018 14:20 Số lượt xem: 1463
Làm báo, tôi may mắn được đặt chân đến nhiều vùng biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chuyến đi Lý Sơn mới đây của đoàn Báo Bắc Ninh chúng tôi tiếp tục là trải nghiệm quý về hòn đảo tiền tiêu có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng với mỗi lương dân đất Việt.

Cổng Tò vò, quà tặng độc đáo của tạo hóa cho Lý Sơn.

 

So với nhiều huyện đảo gần bờ mà người viết bài từng đến như Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…, thì Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhỏ hơn về diện tích và ngắn hơn về hải trình từ đất liền ra đảo. Diện tích Lý Sơn chỉ non mười cây số vuông; huyện có 2 đảo là đảo lớn, gọi là Lý Sơn hay Cù Lao Ré; đảo bé, gọi là Cù lao Bờ Bãi. Huyện đảo có 3 xã với hơn 2 vạn người, trên đảo lớn là xã An Vĩnh, An Hải và trên đảo bé là xã An Bình.
Từ Cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, chúng tôi chỉ mất hơn nửa tiếng trên tàu cao tốc Hoàng Sa 03, vượt 15 hải lý (gần 30 cây số) ra đến Lý Sơn; ngày về, vẫn cung đường ấy, nhưng trên con tàu siêu tốc hiện đại, từ Cảng Lý Sơn, sau hai mươi phút đã cập bến Sa Kỳ.
Trên tàu cao tốc, câu chuyện với anh bạn đồng nghiệp Báo Quảng Ngãi khiến tôi bâng khuâng về một vùng biển đảo thiêng liêng: Lý Sơn, địa danh mà du khách ví như thiên đường du lịch, thiên đường sống ảo, vương quốc hành tỏi…; nhưng Lý Sơn còn là đảo tiền tiêu, từ mấy trăm năm trước, nơi đây đã thấm đẫm máu xương biết bao trai tráng được triều đình tuyển mộ làm binh, phu vào Hải đội Hoàng Sa đi khai thác, tìm kiếm sản vật, cắm mốc biên giới tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Tàu cập cảng Lý Sơn, trong lịch trình dày đặc với miên man cảnh sắc cả thiên tạo lẫn nhân tạo không thể bỏ qua trên huyện đảo như: Cổng Tò Vò, Hang Mù Cu, Hang Câu, Đỉnh Thới Lới, Chùa Đục, Quan Âm Đài…, tôi đề nghị bạn đồng nghiệp ghé Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải trước, để tường thêm về những hùng binh năm xưa. Cách dẫn chuyện cuốn hút của cô hướng dẫn viên khiến mọi người lặng đi vì xúc động:
Hơn 300 năm trước, hàng năm các vua chúa nhà Nguyễn đều tuyển chọn 70 dân đinh Lý Sơn khỏe mạnh, cường tráng, giỏi thao lược khi đi biển để thành lập đội quân Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cưỡi sóng ra quần đảo Hoàng Sa, làm nhiệm vụ cao cả là bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hành trang vua ban theo trên 5 chiếc ghe câu ra biển lớn là 6 tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 chiếc nẹp tre, 7 sợi mây buộc dài và 1 chiếc thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu để vâng lệnh vua ra cắm mốc chủ quyền lãnh hải dân tộc. Cũng chừng ấy năm, biết bao người con Lý Sơn ra đi nhưng không trở về. Họ vĩnh viễn nằm lại với biển trời Hoàng Sa thân yêu. Bù lại, triều đình ưu ái cho gia đình những binh phu đi lính Hoàng Sa được miễn thuế hàng năm, được trợ cấp lương thực và được cấp thêm quỹ đất trồng hành tỏi…
Chiếc xe Ford 7 chỗ chở chúng tôi thăm đảo như không dám chạy nhanh vì đang giẫm lên những tầng di sản, nhất là khi tận thấy những ngôi mộ gió sừng sững, hiên ngang giữa lòng đất mẹ Lý Sơn. Mộ gió thực chất là những ụ cát hình thang cân, thấp lè tè nằm rải rác và có phần khiêm nhường, ẩn mình trong những thửa ruộng trồng hành tỏi. Theo quan niệm của người dân xứ đảo, những người lính Hoàng Sa chết ngoài biển mà không thấy xác thì “hồn bay phách lạc” nên linh hồn cứ lẩn khuất ngoài biển, không được về đoàn tụ với gia đình tổ tiên, vì vậy người dân phải lập đàn cúng tế rước về. Đó là những hình nhân (hình nộm) cùng những nấm mộ gió tiễn đưa linh hồn người chết.

 

Mộ gió trên đảo Lý Sơn.


Đời nối đời, quan niệm ấy của người dân xứ đảo đã trở thành một tập tục, một nét văn hóa đặc trưng và có hẳn thời gian tổ chức lễ (hội) tưởng niệm vào 17, 18 và 19-3 Âm lịch, gọi là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Vào những ngày này, ngoài việc tổ chức hội lớn, dân đảo Lý Sơn còn ý thức việc đắp và dọn các ngôi mộ của chiến sỹ Hải đội Hoàng Sa năm xưa, gọi là mộ gió. Hiện nay, ngành Văn hóa và tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực thu thập những tài liệu liên quan, trình UNESSCO công nhận Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là giải pháp thiết thực công nhận chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu.
Những ngày lưu lại Lý Sơn, điều dễ nhận thấy là đời sống dân đảo ngày càng khấm khá, khách đến với Lý Sơn cũng tấp nập hơn đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh Quảng Ngãi. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên lẫn bâng khuâng là, khách đến Lý Sơn không hẳn đây là thiên đường du lịch, thiên đường nghỉ dưỡng mà còn bởi tình yêu với quê hương đất nước, với đảo tiền tiêu đầu sóng ngọn gió.
Theo lời một vị cao niên trên đảo, từ sau thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi án ngữ ở đó 75 ngày (từ ngày 1-5-2014) thì du khách tìm đến Lý Sơn tăng nhanh, nhất là các bạn trẻ, có lẽ vì họ muốn một lần đặt chân đến đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc? Lý Sơn gần bờ nhưng được gọi là đảo tiền tiêu vì từ đây ra đảo Tri Tôn, 1 hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thân yêu chỉ 123 hải lý và cách vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 chỉ 120 hải lý. Thế mới biết tình yêu quê hương đất nước thật thiêng liêng vô bờ bến…
Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng của đảo tiền tiêu, niềm vui sớm đến với dân đảo: Tháng 9-2014 Lý Sơn được kéo cáp ngầm vượt biển cung cấp điện lưới Quốc gia cho 2 xã trên đảo lớn; tháng 1-2016, Công ty Điện lực Quảng Ngãi chính thức cấp điện cho 116 hộ dân trên xã đảo An Bình (đảo bé). Có điện lưới Quốc gia, Lý Sơn đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành nơi đáng đến của du khách gần xa.
Tạm biệt Lý Sơn với những hình ảnh đẹp, thiêng liêng về hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nhưng tôi vẫn thoáng chút bâng khuâng khi thấy trên mạng ngồn ngộn thông tin các dự án du lịch, nghỉ dưỡng của 1 tập đoàn lớn có thể phá vỡ địa hình, địa chất, địa mạo của hòn đảo vốn là dấu tích của ngọn núi lửa, hình thành cách đây 30 triệu năm. Hy vọng với sự tham góp của nhân dân và các nhà khoa học, các cấp chính quyền biết lắng nghe làm sao để Lý Sơn phát triển nhưng vẫn song hành với bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền dân tộc, vẫn giữ được nét hoang sơ vốn có của đảo ngọc. Tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển nóng và thiếu bền vững trên hòn đảo thiêng của Tổ quốc…

Ghi chép của Thanh Tú