Tuổi trẻ tiếp nối truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo

26/04/2024 10:16 Số lượt xem: 756
Tham gia hải trình trên tàu Trường Sa 16 (Hải đội 1- Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến thăm, tặng quà Tết các nhà giàn DK1 tại vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, chúng tôi gặp nhiều người trẻ tuổi. Dù mỗi người mỗi công việc, từ cán bộ chỉ huy đến tân binh hay phóng viên đi tác nghiệp nhưng trong họ đều trân quý và luôn “cháy lên” tinh thần trách nhiệm kế tục truyền thống bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của các thế hệ cha anh.

Một trong nhiều tấm gương tiêu biểu là trung úy Phạm Hồng Quân, Phó Thuyền trưởng, Bí thư Chi đoàn tàu Trường Sa 16. Phạm Hồng Quân sinh năm 1994, đã có 10 năm công tác ngoài biển đảo và trên tàu Trường Sa 16. Lớn lên trong gia đình có truyền thống khi cả bố, mẹ đều trong lực lượng Hải quân, Hồng Quân có tình cảm đặc biệt với biển, màu áo lính và những con thuyền hiên ngang vượt sóng gió. Quân kể, khi bước vào nghề, trải qua những lần thực hiện nhiệm vụ kéo dài hàng tháng trên biển như trực chiến, vận chuyển hàng hóa, giúp ngư dân… giúp anh hiểu và thương bố mẹ hơn. Những năm đón Tết trên biển, anh càng thấu hiểu nỗi nhớ thầm lặng, tình cảm gia đình của bản thân và đồng đội. Anh cho rằng, người lính không ngại gian khổ, luôn sẵn sàng vượt khó, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Và một trong những động lực giúp người chiến sỹ chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió chính là mệnh lệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là tinh thần đoàn kết của đồng đội, sự động viên, khích lệ của gia đình, hậu phương. Qua 10 năm công tác, kỷ niệm cũng nhiều nhưng với Hồng Quân, sâu đậm nhất là những lần vượt qua sóng dữ, hoàn thành nhiệm vụ đưa hàng Tết đến các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn. Anh thấy tự hào vì đã góp một phần công sức đưa “tình cảm” của đất liền, hậu phương đến với đồng đội nơi hải đảo thân yêu. Từ những lần như vậy, Hồng Quân lại hứa với chính mình phải nỗ lực học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để trở thành người lính hải quân giỏi toàn diện, tiếp nối thế hệ cha ông bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

 

Hạ sỹ Trần Công Đức trả lời phỏng vấn báo chí trước khi rời tàu Trường Sa 16 để nhận nhiệm vụ tại nhà giàn DK1.


Đi nhận nhiệm vụ trên nhà giàn DK1/19, hạ sỹ Trần Công Đức (19 tuổi, ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không khỏi tự hào khi nghĩ đến tháng ngày cùng đồng đội góp sức cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước. Đức tâm sự, vài tháng trước, khi nhận được cuộc gọi từ một người bạn đang công tác ở nhà giàn, anh thấy mình có duyên với biển nên viết đơn đăng ký tình nguyện bảo vệ chủ quyền biển đảo với mong muốn trở thành người chiến sỹ hải quân vững vàng trên biển, lập được nhiều chiến công, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Đức cho biết: “Bố mẹ và bạn gái biết ý định của mình, ai cũng ra sức ủng hộ, động viên giúp mình có thêm động lực để vượt qua sóng gió, yên tâm công tác trên các nhà giàn trên biển”. Điều này như tiếp thêm sức mạnh giúp anh tự tin khi nhận nhiệm vụ “giữ biển” quyết tâm vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và tiếp tục ôn luyện để trở thành học viên của Học viện Hải quân. Trên hải trình, ngoài Trần Công Đức còn có 5 tân binh khác cũng nhận nhiệm vụ tại các nhà giàn. Họ đại diện cho thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống hào hùng và kế thừa sự nghiệp giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc của thế hệ cha anh.
Bên cạnh sự quan tâm của anh em báo chí đối với các cán bộ, chiến sỹ tàu Trường Sa 16, có một người trẻ tuổi khác được cả tàu “săn đón” phỏng vấn. Đó là phóng viên Vừ A Dơ, người dân tộc Mông đang công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Lai Châu. Vượt qua hàng nghìn cây số, anh là người ở xa nhất trong đoàn công tác đến với các nhà giàn DK1 và đây là chuyến hải trình lần đầu tiên anh tham gia. Qua hơn nửa tháng lênh đênh trên biển, anh thấu hiểu hơn về những khó khăn, vất vả, hy sinh của các chiến sỹ nhà giàn DK1; công việc của những người lính tiếp vận trên tàu Trường Sa 16; tình cảm của đất liền, của ngư dân dành cho các chiến sỹ hải quân. A Dơ cho biết: Từ những trải nghiệm thực tế, tôi thêm trân quý và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi tin những hình ảnh, bài viết chân thực về người lính hải quân sẽ tiếp tục khơi dậy truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…
Còn rất nhiều những tấm gương tuổi trẻ như: Đại úy Hà Quang Tường, Thuyền trưởng; đại úy Bùi Văn Huấn, Phó Thuyền trưởng; Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ (tàu Trường Sa 16); hạ sỹ Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt nhà giàn DK1/21… đang ngày đêm phấn đấu vì niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm và khát khao được cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Hoàng An