Ca trù Bắc Ninh, còn nụ thì còn hoa...

13/01/2023 18:05 Số lượt xem: 1895
Có nhạc sĩ từng nhận xét: “Ca trù là một món hương hỏa của tổ tiên để lại, là tiếng họa mi trong nền cổ nhạc Việt Nam”. Bắc Ninh là một trong 15 địa phương hiện còn bảo tồn, gìn giữ được di sản ca trù.

 

Nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” thuần Việt

Là một lối hát cổ truyền của người Việt được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc bộ, người nghe tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu. Tên gọi ca trù được nhiều tài liệu cổ ghi nhận. Theo đó, ca là hát, diễn xướng, còn chữ “trù” là thẻ làm bằng tre dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt. Cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc trả tiền này chính là khách nghe hát - quan viên - người cầm chầu.
Ca trù có nhiều tên gọi khác như: Hát cửa đình, hát nhà trò, hát cửa quyền, hát nhà tơ, hát ả đào, hát cô đầu... Đây là một di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà... Cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân với ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù, bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.

 

CLB Ca trù Thượng Thôn (Yên Phong) thực hành diễn xướng tại lễ đón nhận Bằng Nghệ nhân Ca trù Đào Thị Xuyến.


Là bộ môn nghệ thuật có bề dày lịch sử và chiều sâu nghệ thuật, nhưng ca trù lại có một thời gian ngót một thế kỷ bị gián đoạn, không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức. Vắng bóng trong hoạt động văn hóa nghệ thuật suốt từ sau năm 1945, mãi đến năm 2009, ca trù mới được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp. Kể từ đó, bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” thuần Việt độc đáo này mới bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh.

Dấu ấn ca trù còn lại ở Bắc Ninh

Ở Bắc Ninh, ca trù đã tồn tại và phát triển từ rất lâu với bằng chứng là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn tồn tại đến ngày nay. Kết quả khảo sát kiểm kê di sản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, Bắc Ninh hiện có 3 địa phương vẫn còn lưu giữ, thành lập được CLB hát ca trù ở thôn Thanh Tương (Thuận Thành), Tiểu Than (Gia Bình), Thượng Thôn (Yên Phong), ngoài ra còn có CLB Ca trù tại thành phố Bắc Ninh mới thành lập. Có khoảng 100 hội viên tham gia sinh hoạt với độ tuổi trên 60, số hội viên trẻ rất hiếm. Toàn tỉnh có 5 nghệ nhân lão thành thì chỉ 3 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Bởi bị gián đoạn trong thời gian dài nên nhiều tư liệu về ca trù Bắc Ninh đã mất dấu, các nghi lễ liên quan cũng mai một. Ca trù Bắc Ninh có tổng số 46 thể cách thì nay các CLB chỉ hát được một số thể cách đơn giản, còn những thể cách như hát thi, hát cửa đình, hát thờ... gần như đã thất truyền.
Việc đào tạo đào, kép ở Bắc Ninh hiện nay cũng không được thực hiện theo trình tự nghiêm ngặt như xưa nên để có một thế hệ đào, kép giỏi là quá khó. Muốn trở thành một người hát ca trù thực thụ đòi hỏi rất nhiều yếu tố với một quá trình đào luyện công phu, ít nhất cũng phải chuyên tâm, chuyên cần học trong khoảng 5-6 năm ròng mới có thể gọi là thành thục miệng ca, tay phách. Ngoài ra còn cả hệ thống nghi lễ liên quan như: Lễ nhận thầy, tục giỗ tổ nghề... Việc đào tạo như đang diễn ra chỉ được phần ngọn. Ngay ở cái nôi của nghệ thuật ca trù Bắc Ninh như Thanh Tương, Tiểu Than, Thượng Thôn cũng đang gặp không ít khó khăn do thiếu từ dụng cụ đàn phách, cơ sở vật chất, địa điểm sinh hoạt, đến người học, người nghe, đất diễn...
CLB Ca trù Thanh Tương (Thuận Thành) có gần 10 thành viên tham gia sinh hoạt, tiêu biểu là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thiệp, sinh năm 1928. Cụ Thiệp là một trong số hiếm ca nương tiêu biểu của nghệ thuật ca trù Bắc Ninh nhưng tuổi cao, sức yếu nên không còn đủ sức để truyền dạy. CLB còn lưu giữ được 2 tượng thờ, 1 tủ thờ có từ thế kỷ 17-18, với một cây đàn đáy.
CLB Ca trù Tiểu Than (Gia Bình) thành lập từ năm 2008 thu hút hơn 30 hội viên tham gia sinh hoạt, hiện vẫn còn một ngôi đền thờ tổ Ca trù, 2 đàn đáy và 5 bản sắc phong là những hiện vật quý chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của ca trù Tiểu Than.
Ca trù làng Thượng Thôn (Yên Phong) có từ trước năm 1945, ở giai đoạn ca trù phát triển, trong làng, hầu hết con trai đều biết chơi đàn, con gái ai cũng biết hát ả đào. Nhưng sau 1949, nhà thờ Ca công bị phá hủy không còn dấu tích, nghề hát ca trù cũng mai một từ đó đến năm 2009 nghệ thuật ca trù mới được địa phương quan tâm khôi phục và thành lập CLB. Hiện nay, CLB có khoảng 30 thành viên có thể diễn xướng được 12-13 thể cách ca trù, thường xuyên tổ chức biểu diễn giao lưu trong dịp đình đám, hội làng và được nhân dân địa phương nhiệt tình cổ vũ, động viên.
Có thể thấy, tuy khó khăn nhiều bề nhưng thời gian qua hoạt động của các CLB, nhóm ca trù trong tỉnh đã, đang góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật độc đáo này, từng bước hồi sinh, hi vọng tìm lại sức sống mới cho di sản xanh tươi bén rễ trong đời sống đương đại... Ca trù Bắc Ninh vẫn đang được nuôi giữ với niềm tin “có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa. Và còn nụ thì sẽ nở hoa, còn xanh rồi sẽ chín mọng”... Chắc chắn, với cốt cách văn hóa của người Bắc Ninh-Kinh Bắc, với nỗ lực của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng tâm huyết “giữ lửa” của các nghệ nhân và những người mến mộ nghệ thuật ca trù, di sản “hương hỏa của tổ tiên” sẽ tiếp tục được người Bắc Ninh bảo vệ, trân trọng và phát huy...

THANH LÂM

Văn học-Nghệ thuật