Những mùa thu cách mạng

06/09/2024 14:30 Số lượt xem: 156
Tháng Tám mùa thu, mùa của nắng vàng, mùa của những cơn gió heo may lạc lối đi về. Tháng tám làm say lòng người bởi những mái ngói rêu phong trầm mặc và những mùa hoa về phố. Tháng tám, ngồi bên vỉa hè thơm mùi cà phê sáng, thoảng đâu đây mùi hoa sữa nồng nàn, nắng thất thường, mưa bất chợt và những chiếc là vàng chao nghiêng trong chiều gió heo may.

Thu đã về, một mùa thu tràn đầy niềm tin, khát vọng. Mùa của dân tộc, mùa của Cách mạng và mùa của những mốc son lịch sử còn in đậm trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại, cho đến hôm nay chúng ta có quyền kiêu hãnh, tự hào về một mùa thu lịch sử, một bản anh hùng ca tháng tám làm ngất ngây lòng người. Đi trong những ngày mùa thu chúng ta lại bồi hồi nhớ đến lời Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.
Những ngày còn nhỏ, học cấp II trường huyện, mỗi năm vào dịp mùa thu nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh mồng 2 -9, tôi lại được bố chở bằng xe đạp ra Thủ đô xem lễ duyệt binh, diễu binh, diễu hành và xem bắn pháo hoa chào mừng Quốc khánh. Những ngày tháng mùa thu ấy, mãi nằm sâu trong ký ức của một đứa trẻ, để rồi sau này lớn lên, trưởng thành, tôi mới thấm thía rằng, để có được giá trị của những ngày tháng độc lập tự do trong hòa bình, cho đất nước, Tổ quốc, biết bao thế hệ người Việt Nam nói chung và những người lính nói riêng đã anh dũng hi sinh quên mình vì dân tộc để làm nên một “Dáng đứng Việt Nam” mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã khắc họa đầy hào hùng “Tên anh đã thành tên đất nước ? Ôi anh giải phóng quân”. 79 mùa thu Cách mạng đi qua, nhưng trong tôi và bao người trong chúng ta vẫn nằm sâu trong ký ức những mùa thu tươi nguyên và đẹp đẽ. Hình ảnh lễ duyệt binh trong ngày mồng 2-9 năm nào vẫn trở về trong tâm thức vô cùng ấn tượng. Hầu hết trên khắp các sân vận động từ tỉnh, thành phố đến Trung ương ngập tràn cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió mùa thu. Từng lớp người đi diễu hành như quân đội, công an, học sinh, sinh viên cho đến các tầng lớp trí thức, nông dân, thiếu nhi và khách quốc tế tham dự đầy trang nghiêm trước lá cờ tổ quốc.

 

Với thế hệ hôm nay và mai sau, ký ức về “mùa thu vàng” trong những bản hành khúc bất diệt mãi là niềm tự hào. Ảnh minh họa


Có những năm mùa thu nắng nóng bất thường, có những năm mưa sụt sùi mưa nhưng tất cả những người tham gia diễu hành chào mừng đất nước giải phóng đều tự hào và nhận được sự ủng hộ, thương mến từ những người dân trên khán đài. Tất cả những gì đẹp đẽ nhất của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi được kết tinh thành sức mạnh của con người Việt Nam. Chúng ta diễu binh, diễu hành không chỉ tôn vinh sự kiện lịch sử. Ngày mà Chủ tich Hồ Chí Minh của chúng ta đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bây giờ là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà còn là dịp để chúng ta tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, dịp để chúng ta nhìn lại những giá trị văn hóa, chính trị, xã hội trong thời kỳ mới bằng tình yêu quê hương đất nước lắng sâu trong mỗi người dân Việt. Chúng ta tự hào về truyền thống văn hóa của những người đã làm nên đất nước từ khi chúng ta chưa ra đời mà Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết “Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi / Đất nước có trong những cái “Ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể”. Quả thật, Đất nước có từ những truyền thuyết cổ xưa mà bà từng hay kể, Đất nước có từ cuộc sống bình dị, từ “Gừng cay muối mặn” mà mẹ thường hay kể trong suốt tuổi ấu thơ. Đất nước từ những hạt gạo một nắng hai sương, là phong tục tập quán, là văn hóa được tạo dựng từ hàng ngàn năm lịch sử. Đất nước chính là của nhân dân, và để có được những ngày tháng độc lập tự do, dân tộc ta không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ kẻ xâm lược nào, dù chúng là ai, đến từ phương trời nào “Nước của chúng ta / nước của những người chưa bao giờ khuất / đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Khoa Điềm). Đó chính là sự khẳng định, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập của dân tộc.
Đi giữa mùa thu, còn nghe đâu đây những bài hát của những mùa thu cách mạng như Giai điệu Tổ quốc, Đường chúng ta đi, Giải phóng miền Nam, Bài ca hy vọng, Đất nước trọn niềm vui vv… Và tôi cứ nhớ mãi lời bài hát Giai điệu Tổ quốc của Nhạc sĩ Trần Tiến trong những ngày mùa thu đến trường “Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi / dịu dàng trong tiếng ru hời / tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi / trầm sâu trong tiếng đất trời…”. Tổ quốc vừa là một ý niệm thiêng liêng, vừa là sự hiện hữu trong tiếng ru của bà, của mẹ, Tổ quốc cũng thật giản dị và gần gũi như cánh đồng, lũy tre “Cái kèo, cái cột thành tên”.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đấy mà đã 79 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Nhân dân ta đứng lên phá bỏ ách thống trị, giành độc lập tự do bằng tinh thần bất khuất, ý chí tự cường của dân tộc. Mùa thu này ta vui trong câu hát, mùa thu này chúng ta tin vào sự đổi mới, sáng tạo và không ngừng nỗ lực vươn lên.

Đinh Tiến Hải

Văn học-Nghệ thuật