“Du xuân” cùng nét cọ Lưu Quang Lâm

02/04/2021 09:59 Số lượt xem: 692
Qua nét cọ “Thực-Hư-Chân-Ảo” của họa sĩ tài danh Lưu Quang Lâm, mùa xuân Kinh Bắc hiện lên vừa dịu dàng vừa cá tính, khi man mác tím ngắt những chùm xoan li ti lay phay trong gió; lúc lộng lẫy vàng son bừng lên tươi mới, rạo rực với “Hội làng”, “Đón bạn ngày xuân”; lúc đắm đuối, say mê, ngọt lịm nơi ánh nhìn lúng liếng, trong ý nhị, bẽn lẽn với “Ngập ngừng”, “Liền chị”... Nàng xuân ấy gần gũi, thân thiết quá mà cũng mênh mang hư ảo quá!

Tên tuổi họa sĩ Lưu Quang Lâm gắn liền với những bức sơn mài đồ sộ, công phu, lấp lánh. Vừa qua, ba bức sơn mài “Ao làng”, “Lễ hội làng nghề truyền thống” và “Những chiến sĩ đặc công” của ông được trình lên Hội đồng chuyên ngành cấp Quốc gia đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021.

 

Họa sĩ Lưu Quang Lâm.


Ngoài 60 tuổi với gần nửa thế kỷ cầm cọ, người “họa sĩ đồng chiêm” quê An Thịnh, Lương Tài cứ hồn nhiên bắt lấy, chụp lấy những mảnh hiện thực quanh mình để chiêm nghiệm, tự tình, thưởng thức rồi vẽ lại với một cái nhìn điềm đạm, trong sáng, thơ mộng, tự nhiên đến độ rõ ràng là chắt lọc mà như là để nguyên, tinh khéo mà tỏ ra thô phác. Nổi danh với cá tính sáng tạo, cái tên Lưu Quang Lâm từ lâu được giới chuyên môn đánh giá là một nghệ sĩ có bản năng hội họa mạnh mẽ, táo bạo. Cuộc sống cùng những suy tưởng của ông thổi vào trong những bức họa sự sinh động bất ngờ. Sự vật, con người trong tranh ngỡ là đơn giản mà đẩy sâu, thi vị hóa trở thành tính cách nghệ thuật riêng, không bao giờ hòa lẫn.
Chiêm ngưỡng chùm tranh về mùa xuân của ông, cảm giác có chút ẩm nồng, bình đạm của hoa xoan, chút nao nức, thẹn thùng của liền chị, chút tín ngưỡng của mái đình, cửa chùa. Cả những chị hai, chị ba nón thúng, khăn mỏ quạ, yếm sồi váy chùng, rồi nam thanh nữ tú rạo rực du xuân cho đến những dòng sông, cây cầu mùa xuân cũng đầy sức gợi, đưa người xem vào miền tưởng tượng của riêng mình vừa gần gũi, chân thực vừa hư ảo... Đằm trong sắc xuân ở các bức họa sơn dầu của Lưu Quang Lâm mà tâm tưởng cứ chờn vờn, lấp loáng những vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/Sột soạt gió trêu tà áo biếc/Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang...”

 

Miền Quan họ (Sơn dầu).

 

Giới chuyên môn bảo, những bức họa của Lưu Quang Lâm mang đến cho người thưởng lãm cảm giác nhiều hơn là cảm nhận. Vẻ đẹp nằm ở từng đường nét ngang dọc, ở cấu trúc, bố cục và những điểm mầu nắn nót trên một mặt phẳng, gợi cảm giác vô cùng... Nhiều khi tranh đầy ắp hình thể, kĩ lưỡng từng chi tiết, trang phục nhưng đôi lúc lại chỉ một vài hình dạng ẩn hiện nhỏ bé giữa không gian bỏ ngỏ với những vệt mầu sắc. Từ đó sinh ra một thứ biểu hiện mơ mộng, thầm kín, nói điều này điều kia... Người ta gọi đó là một thứ hội họa bản năng, giàu tính biểu cảm được vẽ bằng những cung bậc của sự mộng mị, say mê bồng bột mà duy nhất chỉ có ở Lưu Quang Lâm.
Ngay từ ngày đầu cầm cọ, họa sĩ đã theo đuổi dòng tranh đồng hiện, bán trừu tượng với sự xoắn luyến, quấn quện tầng tầng lớp lớp không gian và thời gian trên một mặt phẳng. Đó là vẻ đẹp lung linh ảo giác chứ không lệ thuộc vào hình hài. Có những nét vẽ tưởng chừng rời rạc, không chủ ý nhưng tuyệt diệu vì nó hồn nhiên, lơ lửng như tâm hồn con người, vừa bản năng, phóng túng của người nghệ sĩ tự do tự tại, có sự hoan hỉ tự thân song đôi khi phảng phất những nỗi niềm nhân tình thế thái. Có lẽ vì thế mà tranh của Lưu Quang Lâm không phải lúc nào cũng hiểu được. Hơn nữa, sáng tác nghệ thuật vốn dĩ được sinh ra từ những khu vực không để hiểu của con người mà họa sĩ lại thích bày tỏ mình một cách vừa rõ ràng vừa kín đáo trong tranh...

 

Ngày xuân (Sơn dầu).

 

Mấy năm nay thảnh thơi điền viên tuổi nghỉ hưu, họa sĩ vẫn trung thành với không gian đồng hiện nhưng luôn tìm tòi mở rộng đề tài và thử sức với chất liệu mới. Ông chia sẻ: “Vẫn là chủ đề văn hóa dân gian, hội làng, hát Quan họ song sơn dầu mang đến cho tác phẩm của tôi một tinh thần mới, mạnh mẽ và hiện đại hơn, như xu hướng thay đổi trong những nét văn hóa dân gian của làng quê thời đại mới. Pha trộn cách tạo hình truyền thống với ngôn ngữ hội họa hiện đại, giản lược về chi tiết và tập trung vào sự phối hợp giữa các mảng màu giàu tính chất biểu hiện là cách tôi đang lựa chọn để thể hiện trong các tác phẩm của mình”.
Ấn tượng, bất ngờ với những bức sơn dầu sáng tác gần đây của họa sĩ, tôi ngỏ ý xin phép được giới thiệu song cứ e ngại, sợ ông chạnh lòng khi trao những đứa con tinh thần quý giá cho một người ngoại đạo, thiếu kiến thức hội họa mà lại “mắt nâu” chứ không phải “mắt xanh”. Thật may vì ông tin rằng: “Giá trị của tác phẩm nằm ở sự rung cảm của công chúng. Mỗi người có cách cảm khác nhau và đều có thể cùng sáng tạo với tác giả. Nếu tác phẩm giàu sức gợi, chạm được đến tâm hồn ai đó cũng là thành công!”.
Thuộc thể loại khó xem, công chúng khá hẹp song những bức họa kí tên Lưu Quang Lâm dù trước kia hay bây giờ vẫn luôn có sức hút đặc biệt trong giới mộ điệu và những nhà sưu tập tên tuổi. Tác phẩm của ông dễ lọt mắt xanh của khách nước ngoài vì thấm đẫm tâm hồn Việt, lấp lánh chất Kinh Bắc, được thi vị hóa, nửa thực nửa mơ, khiến người thưởng lãm cứ bâng khuâng tìm mình giữa cõi thực hay lạc bước đào nguyên...

Thuận Cẩm

Văn học-Nghệ thuật