Hiệu quả một năm chuyển đổi số ở Bắc Ninh

09/10/2023 20:02 Số lượt xem: 952
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, đến nay nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số quan trọng của tỉnh đã hoàn thành sớm, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Sau khi Nghị quyết 52 được ban hành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thông qua các hình thức: tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội… về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số nhằm triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời với công tác tuyên truyền là việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành cụ thể. Đặc biệt, Bắc Ninh đã tập trung xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh, triển khai theo mô hình tập trung tại trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng, ban hành các Quy chế, quy định quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung nhằm tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng và cát cứ dữ liệu.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cũng ngày càng được sử dụng rộng rãi, thường xuyên trong các cuộc họp lớn, có quy mô nhiều cấp, nhiều ngành, đã phát huy hiệu quả của công nghệ trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp chứng thư số cho 100% cơ quan, đơn vị; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên đảm bảo việc tạo lập hồ sơ công việc và ký số lãnh đạo văn bản điện tử. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử trung bình cấp tỉnh đạt 94.6%; cấp huyện đạt 95,5%, cấp xã đạt 97,5% (vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP đề ra giai đoạn 2021-2025); Tỷ lệ tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị trên thiết bị di động của toàn tỉnh đến ngày 13/9 đạt 90%. Đã chuẩn hóa khoảng gần 26 nghìn thuê bao thuộc nhiệm vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao; cấu hình hơn 2 nghìn tài khoản được Công an tỉnh Bắc Ninh cấp quyền khai thác CSDLQG về dân cư trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

 

Hướng dẫn thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cài đặt phần mềm thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng Viettel Money và VNPT Money.


Bắc Ninh cũng đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành Ban chỉ đạo chuyển đổi số theo mô hình của Trung ương, Ban chỉ đạo tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại địa phương và thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% cấp thôn (733/733 thôn) với hơn 3 nghìn thành viên của Tổ. Đã triển khai nhiều hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng như tập huấn, hướng dẫn cho người dân.
Về triển khai nộp thuế điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt: Toàn tỉnh có trên 98% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; chứng từ nộp thuế điện tử; 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng; 100% bệnh viện cấp tỉnh đã triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng; 100% các chi nhánh trực thuộc Công ty Điện lực Bắc Ninh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; 100% đơn vị cấp nước trong tỉnh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; Tỷ lệ chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội một lần thực hiện qua ngân hàng về số lượt người và về giá trị chi trả đạt trên 75%.
Với những kết quả trên, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) hàng năm của tỉnh đều nằm trong nhóm 10 tỉnh/thành trong cả nước: Năm 2021, xếp thứ 4; năm 2022, xếp thứ 7. Đặc biệt, theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%. Còn theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông  (Việt Nam ICT Index 2022) công bố ngày 21/9/2023, được nhóm nghiên cứu Cục Công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và truyền thông cùng Hội Tin học Việt Nam đưa ra, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 10 Chỉ số ICT Index cấp tỉnh (trong đó, xếp hạng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ 2, Xếp hạng chung Chỉ số công nghiệp CNTT năm 2022 đứng thứ 3).
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế và khó khăn vướng mắc. Do vậy, để đảm bảo việc triển khai có hiệu quả chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới, cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số; Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cả 3 cấp, để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Tổ chức triển khai cấp chữ ký số cá nhân miễn phí cho người dân để sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh, đảm bảo giá trị pháp lý của các văn bản điện tử. Tổ chức triển khai các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (One touch) của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh; trước mắt tập trung vào việc Tổ công nghệ số hướng dẫn người dân biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường họp không giấy tờ, sử dụng hội nghị truyền hình trực tuyến, tập huấn trực tuyến, lập hồ sơ công việc, ký số văn bản điện tử, xử lý phản ánh kiến nghị của nhân dân trên môi trường số. Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với hệ thống tập trung của Bộ Thông tin và Truyền thông; triển khai các giải pháp đảm bảo toàn thông tin mạng; hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin theo quy định. Hoàn thiện đề án chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030, báo cáo các cấp có thẩm quyền, trình HĐND tỉnh thông qua, ban hành.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, triển khai Kế hoạch phối hợp giữa Tổ công tác đề án 06 của Chính phủ và Tổ công tác đề án 06 tỉnh Bắc Ninh về Triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại tỉnh…

 

Nguyễn Trung Hiền
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Khoa học - Công nghệ