Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ

22/02/2024 20:10 Số lượt xem: 575
Bám sát kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và địa phương, thời gian qua, thị xã Quế Võ tập trung chỉ đạo và triển khai xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao đáp ứng các tiêu chí đề ra. Từ đó, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời gắn với phát triển đô thị, tạo sự kết nối đồng bộ.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu mỗi năm, các cấp, ngành, địa phương của thị xã Quế Võ chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, chủ động hướng dẫn các xã rà soát bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nâng cao nhằm tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đồng thuận của nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”… Kết quả, tính đến hết năm 2023, toàn thị xã Quế Võ tăng được 13 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đạt chỉ tiêu kế hoạch; 10 xã của thị xã đạt tổng số 160 tiêu chí nông thôn mới, trung bình đạt 16 tiêu chí/xã và 157 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trung bình đạt 15,7 tiêu chí/xã. Cụ thể như: xã Mộ Đạo đạt 17/19 tiêu chí, xã Châu Phong đạt 17/19 tiêu chí, xã Chi Lăng đạt 16/19 tiêu chí, xã Yên Giả đạt 17/19 tiêu chí, xã Việt Thống đạt 15/19 tiêu chí, xã Ngọc Xá đạt 16/19 tiêu chí, xã Phù Lãng đạt 16/19 tiêu chí…
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua đánh giá, các xã chưa đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay phần lớn đều gặp khó khăn trong việc hoàn thành các tiêu chí cần nhiều kinh phí, cũng như tìm nguồn vốn để đầu tư.

 

Diện mạo nông thôn mới xã Chi Lăng ngày một đổi thay rõ rệt.


Để đạt mục tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao đề ra trong năm 2024, thị xã Quế Võ  tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chính quyền các cấp xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và mỗi cá nhân, nhất là vai trò người đứng đầu.
Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung cho các tiêu chí về kinh tế, phát triển sản xuất, thu nhập, môi trường, chất lượng cuộc sống, hướng tới nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; phục dựng, bảo tồn và phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững.
Đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới. Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch… để đầu tư vào khu vực nông thôn.
Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; tạo kết nối đồng bộ; quan tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch, trọng tâm là xây dựng cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề hiện có. Rà soát, đánh giá toàn diện tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề Phù Lãng, trang trại nông nghiệp làm du lịch trên địa bàn thị xã.
Coi trọng và triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ngay tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp.

Hà-Me