Vẻ đẹp của người lính qua thơ

07/06/2024 17:21 Số lượt xem: 151
Trung tá cựu chiến binh Trần Thế Long, quê ở xã Việt Đoàn (Tiên Du) từng là người lính trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn từ đường 9 - Nam Lào đến giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Ông đã in nhiều tập thơ văn với chủ đề tôn vinh vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của người lính cách mạng. Gian khổ tột cùng, hy sinh lớn lao, bom đạn khốc liệt... càng tô thắm thêm phẩm chất ngời sáng của họ. Dưới đây là một bài thơ ông viết nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/1985):

ÁO TRẬN


Áo này đánh trận bẩy mươi (1970)
Đồng Chum nổi bão
Pháo rời Phu Khâm
Mùa mưa đất lở vách hầm
Mối đùn áo mục
Tím dầm bờ vai...

Áo này đỏ lửa bẩy hai (1972)
Chốt thành Quảng Trị tám hai đêm ngày
Giăng giăng cát biển pháo bầy
Chôn nhau...
Bom đạn lại cày nhau lên!
Thia lia đau đớn phần mềm
Bộn đồng bom vướng nổ rền như băm...

Áo này chiến dịch bẩy lăm (1975)
Hành quân thần tốc ăn nằm thùng xe
Tin vui thắng trận dội về
Đêm đêm vợ nhớ lại vê áo chồng...

Bây giờ nhà ống tường bông
Mùa hè áo mỏng, mùa đông đổi màu
Áo xưa... gấp để gối đầu
Lòng ta vẫn mãi xanh màu ÁO XANH...

30 tháng 4 năm 1985
 Trần Thế Long

 

Bài thơ Áo Trận của Trần Thế Long đã chọn ba chiến dịch lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Đó là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1969 - 1970, chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ở mỗi chiến dịch lịch sử này, Trần Thế Long đã khắc họa nên những dấu ấn sâu đậm nhất đối với người lính:
Đó là bão lửa ở cánh đồng Chum và những gian khổ mà người lính phải chịu trong mùa mưa dai dẳng ở Nam Lào năm 1970: Đồng Chum nổi bão/Pháo rời Phu Khâm/Mùa mưa đất lở vách hầm/Mối đùn áo mục, tím dầm bờ vai...
Đó là sự ác liệt nơi thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Người lính đã phải chịu đựng quá nhiều pháo dàn pháo bầy, bom tấn, mìn vướng. Ác liệt đến nỗi nhiều người lính đã phải hy sinh đến vài lần: Giăng giăng cát biển pháo bày/Chôn nhau - bom đạn lại cày nhau lên/Thia lia đau đớn phần mềm/Bộn đồng bom vướng nổ rền như băm!
Đó là cuộc hành quân thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975: Hành quân thần tốc ăn nằm thùng xe/Tin vui thắng trận dội về/Đêm đêm vợ nhớ... lại vê áo chồng! Cái khác biệt của thơ Trần Thế Long là anh không tả nhiều về người lính nơi chiến trường mà lại quay về hậu phương. Nơi người vợ nghe tin thắng trận lại vuốt ve chiếc áo lính của chồng mình. Nó gửi đi một thông điệp: Không có hậu phương vững vàng, thủy chung thì sẽ không có chiến thắng vẻ vang ngoài tiền tuyến!. Đó chính là tính nhân văn cao cả của chiến tranh nhân dân. Là nguồn cội sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Bốn câu kết của bài thơ như một khúc vĩ thanh. Sau khi chiến tranh kết thúc, người lính trở về với đời thường, cuộc sống dần thay đổi với nhà ống tường hoa, quần áo đủ màu đủ kiểu nhưng tấm ÁO LÍNH - ÁO TRẬN đã từng xông pha trận mạc năm xưa vẫn được trân trọng gối ở đầu giường. Và tấm lòng của người lính Cụ Hồ vẫn thanh cao, bình dị, thủy chung với bạn bè, với đồng đội, với lý tưởng vì dân. Những tấm áo dày dạn chiến trận, thấm đẫm mồ hôi và máu, làm nên bao nhiêu kỳ tích trong chiến tranh chính là biểu tượng cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Đó cũng chính là hình tượng tuyệt vời nhất của dân tộc ta trong lịch sử và trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Tháng 4 năm 2024

Nguyễn Anh Thuấn