Văn hóa giao thông đi lên

30/08/2024 16:36 Số lượt xem: 202
“Ra đường hổ báo-lên phường mếu máo”-Cậu con trai vừa về nhà đã bức xúc.

Chị Tình thấy tâm trạng con trai có vẻ không vui liền đến bên vỗ vai: Nay công ty hay đi đường lại có chuyện gì à con, thôi ngồi nghỉ uống ngụm nước cho mát rồi kể mẹ nghe xem.
Con trai: À là vụ việc liên quan đến ông Trần Tuấn Phong, tỉnh Bình Dương đã có hành vi côn đồ khi tham gia giao thông đang được mọi người chia sẻ rầm rộ trên mạng nên con thấy đồng cảm với anh lái xe bị ông Phong bắt quỳ lạy và không đồng tình với cách hành xử thô lỗ của ông Phong mẹ ạ.
Con trai: Để con đọc chi tiết mẹ nghe nhé. Theo điều tra của cơ quan Công an, ông Phong là giám đốc một công ty địa ốc. Trưa ngày 11-8, anh P.T.S, 26 tuổi lái ôtô 5 chỗ màu xanh, chở vợ và con trên đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Thủ Dầu Một. Đến đoạn giao với đường Lê Chí Dân, xe anh S suýt va chạm với ôtô do ông Phong cầm lái. Hai bên lời qua tiếng lại, sau đó anh S tiếp tục lái xe đi. Tiếp đó, ông Phong đã tăng ga đuổi theo chừng 2,2 km thì vượt lên, ép xe anh S dừng lại và yêu cầu anh S ra khỏi xe nói chuyện không được, liền nhặt khúc xương bò dài khoảng 30 cm trên vỉa hè đập vỡ cửa kính ô tô. Nhận thấy ông Phong quá hung hăng, có khả năng gây nguy hiểm cho vợ con trong xe, anh S xuống xe và ông Phong đã liên tục chửi bới, nắm tóc, cầm khúc xương bò dọa đánh, bắt anh S quỳ xuống xin lỗi mới bỏ qua.
Nhận được tin báo, Công an địa phương trích xuất camera, điều tra sự việc. Tối cùng ngày, ông Phong bị cơ quan Công an bắt về hành vi gây rối trật tự công cộng, đồng thời cơ quan Công an cũng thông báo sẽ tiếp tục điều tra, thu thập thêm chứng cứ về dấu hiệu phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản, càm nhục người khác. Tại cơ quan Công an, ông Phong thừa nhận toàn bộ hành vi đối với anh S.
Chị Tình: Đúng là hành vi thiếu văn hóa. Các cụ dạy “chín bỏ làm mười”, đằng này ông Phong ra đường chưa học được chữ “nhẫn”.
Con trai: Dân mạng cũng chia sẻ nhiều câu sâu sắc lắm mẹ, như “chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”, hay “giận quá mất khôn”... Giờ thì đúng là hối hận cũng đã muộn.
Chị Tình: Sẽ có cả bản án của cơ quan thực thi pháp luật và bản án lương tâm dành cho hành vi ngông cuồng của ông ấy. Song qua vụ việc cũng là bài học sâu sắc cho mỗi người khi tham gia giao thông đấy con. Ngoài việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, con cần luôn nhớ đến văn hóa khi tham gia giao thông. Khi đi trên đường chẳng may xảy ra sự cố, cần bình tĩnh xem xét phải trái, đúng sai để giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý.
Con trai: Mẹ yên tâm, ở công ty con lãnh đạo rất quan tâm đến vấn đề này thông qua việc đưa cả vào quy chế, nội quy thi đua và mỗi buổi giao ban hàng tuần đều có nội dung tuyên truyền về văn hóa công sở, trong đó có văn hóa khi tham gia giao thông. Ai thực hiện tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng và ngược lại, nên ý thức mọi người tốt lắm ạ. Điển hình trong 8 tháng qua, không có cá nhân nào vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải xử lý hành chính; tại công ty mọi người luôn chấp hành đỗ xe đúng nơi quy định, không hú còi, rồ ga khi không cần thiết…
Chị Tình cười vui: Giá mà doanh nghiệp nào cũng nghĩ và làm được như vậy thì văn hóa giao thông sẽ đi lên con nhỉ!

Xuân Me