Ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất

03/10/2024 19:22 Số lượt xem: 214
Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh nhanh chóng rà soát nhu cầu, ưu tiên nguồn vốn, giải ngân kịp thời cho các khách hàng để tái thiết sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống.

Trang trại trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Đức Huy, khu Vân Xá, phường Cách Bi (thị xã Quế Võ) được vay 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Siêu bão Yagi vừa qua gây hư hỏng hơn 5.000 m2 nhà màng, trong đó 2.000 m2 bị sập, đổ hoàn toàn; 10 tấn dưa lưới đã ký hợp đồng với các siêu thị, chuẩn bị đến ngày thu hoạch bị hư hỏng, ước tổng thiệt hại 1,8 tỷ đồng. Anh Huy chia sẻ: “Bão đã gây thiệt hại lớn, nhưng dù khó khăn gia đình vẫn quyết tâm khôi phục sản xuất. Trước mắt, thuê người, mua thiết bị dựng lại nhà màng m2 bị tốc mái để sẵn sàng cho vụ dưa lưới mới, kịp bán vào dịp cuối năm. Gia đình mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt nguồn vốn vay ưu đãi”.
Cơ sở sản xuất gốm Đức Thịnh, xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ), đầu tư hàng tỷ đồng mua trang thiết bị phục vụ sản xuất và xây dựng Khu du lịch trải nghiệm. Bình quân mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách và học sinh của các trường trong và ngoài tỉnh đến tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm. Do nằm ngoài đê, sau cơn bão số 3, nước sông Cầu dâng cao khiến cơ sở bị ngập chìm trong nước. Dù được các lực lượng chức năng và địa phương giúp đỡ di dời một số sản phẩm gốm có giá trị… song nước lên nhanh, nhiều sản phẩm gốm nghệ thuật bị hư hỏng. Hệ thống lò sấy, đồ trưng bày bị ngập gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Số vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình đang làm hồ sơ xin gia hạn nợ, đồng thời mong muốn tiếp cận thêm nguồn vốn mới để tái sản xuất.
Theo ông Lê Xuân Diễn, Phó Giám đốc NHCSXH thị xã Quế Võ, qua thống kê sơ bộ đến cuối tháng 9, đơn vị có 97 khách hàng chịu thiệt hại sau bão, dư nợ gần 9 tỷ đồng. Ngân hàng phối hợp với địa phương, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục rà soát các hộ bị ảnh hưởng do cơn bão số 3; tuyên truyền về chủ trương chưa thực hiện thu lãi đối với những hộ vay bị ảnh hưởng. Tổng hợp thiệt hại đối với khách hàng vay vốn, rà soát nhu cầu cho vay để kịp thời giải ngân nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh.

 

Anh Nguyễn Đức Huy, phường Cách Bi (thị xã Quế Võ) khẩn trương dựng lại nhà màng chuẩn bị vụ dưa mới.

 

Lương Tài là đơn vị có nhiều khách hàng bị thiệt hại do bão số 3. Qua rà soát tổng số khách hàng bị thiệt hại đến vốn, tài sản của dự án hoặc phương án vay vốn là 833 món vay, dư nợ 53,67 tỷ đồng (số tiền bị thiệt hại hơn 18,3 tỷ đồng), chủ yếu tập trung ở các xã Trung Kênh, Lai Hạ, Minh Tân, Trung Chính, nhất là các hộ nuôi cá lồng trên sông Thái Bình. Căn cứ vào kết quả rà soát từ cơ sở, cán bộ NHCSXH huyện phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra, xác minh trực tiếp từng khoản vay có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% trở lên để lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ cho 27 món vay, số tiền gần 3 tỷ đồng. Số khách hàng có nhu cầu chậm nộp lãi đến hết năm 2024 là 164 khách hàng với dư nợ tiền vay 8,3 tỷ đồng. Theo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng giao, Phòng giao dịch NHCSXH Lương Tài tập trung giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, trong đó đặc biệt ưu tiên giải ngân vốn cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng của thiên tai để cho vay khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Là một trong những khách hàng của NHCSXH huyện Lương Tài bị thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra, chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hoàng Kênh, xã Trung Kênh cho biết: “Toàn bộ 15 lồng cá (trong đó 9 lồng chép giòn, 2 lồng chép phôi có trọng lượng từ 4-6kg) dự kiến 2 tháng nữa được thu hoạch bị mất trắng, ước thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Hiện số cá còn lại gia đình dồn về 2 lồng để chăm sóc; 13 lồng khác vẫn để trống, bởi không còn vốn để tái đầu tư. Số vốn vay từ chương trình phụ nữ khởi nghiệp mong được ngân hàng khoanh nợ và tiếp tục cho vay mới để gia đình từng bước khôi phục sản xuất”.
Theo rà soát, đánh giá sơ bộ của các địa phương, đến nay toàn tỉnh có khoảng 2.500 khách hàng đang vay vốn tại NHCSXH bị thiệt hại, tổng dư nợ 80 tỷ đồng. Ông Hoàng Trọng Cường, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác khẩn trương tổ chức rà soát tình hình thiệt hại của khách hàng vay vốn tín dụng chính sách để triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân nhằm sớm khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Tập trung rà soát nhu cầu vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Chỉ tính trong tháng 9, NHCSXH tỉnh giải ngân cho hơn 4.200 lượt khách hàng vay số vốn hơn 217 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân cho vay nhiều nhất là chương trình giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường.
Cùng với việc giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH cũng tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ đến hết ngày 31-12-2024. Ngoài ra, căn cứ mức độ thiệt hại về vốn, tài sản và con người của hộ vay, NHCSXH hoàn thiện quy trình thiết lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định hiện hành để trình các cấp có thẩm quyền quyết định xử lý nợ kịp thời, tạo điều kiện cho hộ vay ổn định cuộc sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Hà Linh