Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bắc Ninh

22/07/2024 13:55 Số lượt xem: 928

Bài 6: Người hiền Nguyễn Phú Trọng qua ký ức Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn

Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời lúc 13 giờ 38 phút ngày 19-07-2024, tôi lặng đi vì xúc động. Là người luôn vững tinh thần trước bao thử thách trong chiến tranh và hòa bình mà nước mắt tôi đã trào ra vì thương tiếc người lãnh đạo kính mến, gần gũi thân tình của Đảng ta, của Nhân dân ta. Người mà tôi đã làm thơ tả thực, in vào sách rằng: “ Vì đất nước, vì Nhân dân vì Đảng / Người bạc đầu trách nhiệm theo thời gian / Mỗi lần gặp người hiền Nguyễn Phú Trọng / Sáng niềm tin theo Đảng, chúng ta đi!”.

Bài 1: Một nhân cách sĩ phu Bắc Hà trong văn hóa Kinh Bắc

Bài 2: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lần cuối cùng về thăm quê hương Quan họ

Bài 3: Nguyện khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư

Bài 4: Phát triển Bắc Ninh thành tỉnh đi đầu về chất lượng cuộc sống và sự hưởng thụ của nhân dân

Bài 5: Kỷ niệm không quên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

Lúc này, người hiền Nguyễn Phú Trọng hiện lên trong tôi qua bao ký ức. Tôi nhớ rất rõ: Ngày 20-03-2000, trước Đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội 10 năm, tôi được đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho ngồi cạnh trên thuyền Rồng, lướt sóng hồ Tây, hỏi tôi: “Chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất nhiều việc Hà Nội và cả nước cùng làm, nhà giáo có sáng kiến gì để truyền cảm mạnh mẽ hào khí Thăng Long?”.

Tôi thưa: “Hà Nội cùng toàn Đảng, toàn Dân ta tin tưởng thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước với tinh thần hứng khởi trong từng việc cụ thể, đoàn kết vinh danh hào khí Thăng Long, vinh danh danh thời đại Hồ Chí Minh…”.    

 Ngày 21-01-2009, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội về thăm Đền Đô, dâng hương, thăm các hạng mục công trình. Tôi vinh dự là người dẫn chương trình, giới thiệu từng hạng mục công trình. Trước Bia lịch sử “Cổ Pháp điện tạo bi” do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm 1605, Tôi giới thiệu tóm tắt nội dung, rồi nói:”Tấm Bia quý như thế, mà năm 1952, khi chiếm đóng Đình Bảng, phá hủy Đền Đô, giặc Pháp đã dùng bia này làm bia bắn bia, chúng trà đạp lên chân lý “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Quân dân Đình Bảng đã chiến đấu chiến thắng giải phóng quê hương. Năm 1989 khởi công xây dựng lại Đền Đô, tấm bia dẫu mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh vẫn để đúng vào vị trí cũ để hôm nay chúng ta thấy đây và con cháu chúng ta mai sau hiểu rằng tồn tại một dân tộc như thế này quê hương, đất nước đã phải trải qua bao hy sinh, mà yêu thương và trách nhiệm xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước”.

 

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn trò chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đền Đô (ngày 24-1-2022)

 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nghe xong đã nói: “Cảm ơn các Cụ và Nhân dân Đình Bảng chủ động phục dựng Đền Đô, làm biểu tượng của hào khí Thăng Long, hạ tầng đặc biệt để phát huy nội lực”. Rồi đồng chí Nguyễn Phú Trọng vào phòng khách, nói chuyện với lãnh đạo xã Đình Bảng cùng các Cụ trong Ban quản lý Đền Đô, rằng: “Cảm ơn các cụ đã cơm nhà, việc Đền, cùng Nhân dân và Nhà nước làm nên kỳ tích Đền Đô thiêng hương khói, ấm nhân tình. Đền Đô là một địa chỉ nổi tiếng không chỉ riêng trong nước mà còn cả với nước ngoài. Những sự tích và những đám mây ở đây rất là xúc động, rất linh thiêng. Nó báo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống của dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông đất nước ta. Nó thể hiện bề sâu và sự bền vững văn hóa Việt Nam ta. Tôi tin chắc đây sẽ là một địa chỉ, địa danh chứng minh với thế giới rằng Lịch sử Việt Nam đã có mấy nghìn đời rồi và chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn trong cái nền văn hóa Việt Nam…”. Rồi đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng các Cụ Ban quản lý Đền Đô trồng cây đa lưu niệm bên hồ Bán Nguyệt trước cửa Rồng.

 Ngày 24-01-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương thăm Đền Đô đúng lúc đang còn tiếp tục chống dịch bệnh Covid, mạnh mẽ tinh thần chiến thắng “Thăng Long - Đại Việt ngàn năm / Bừng lên khát vọng mừng Xuân Nhâm Dần. “. Trong nghi lễ thiêng linh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu và Nhân dân dâng hương tưởng nhớ các vị Vua nhà Lý. Rồi, cùng vào nhà khách. Các liền chị quê Vua đã dâng nước, mời trầu. Lãnh đạo phường Đình Bảng dâng Tổng Bí thư bánh Phu Thê đặc sản của quê hương, chúc Tổng Bí thư sức khỏe, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thành công. Các cháu thiếu nhi hát mừng, cùng nghe Tổng Bí thư phát biểu. Bác Nguyễn Phú Trọng đã thăm hỏi, chúc sức khỏe mọi người, mong “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”. Đình Bảng mãi xứng đáng là quê hương phát tích Vương triều Lý, một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam. Nơi bốn lần được Bác Hồ về thăm, căn dặn bao điều quý báu”. Trong không khí vui vẻ đó, Tổng Bí thư đã đọc thơ, giọng sâu lắng, một mạch cả bài “Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính: “Hôm qua, em đi tỉnh về …”. Mọi người cùng chăm chú lắng nghe. Tôi nghĩ ngay rằng, Bác Trọng đang nhắc nhở mọi người giữ nếp quê, tình người, trân quý hương đồng gió nội. Tôi nảy ý định viết tập thơ cảm hứng đời “Lục Bát đất Rồng thiêng” dâng đời, phải là 282 bài, cộng là con số 12, đều cùng 4 câu Lục Bát dân ca.  Bác Trọng sau đó đã chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu, rất tình cảm thân thương, chụp riêng với các hướng dẫn viên du lịch Đền Đô, với các Cháu ngoan Bác Hồ quê hương Đình Bảng, rồi tạm biệt lên xe lên thành phố Bắc Ninh làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Và, sau đó tôi đã hoàn thành bản thảo tập thơ “Lục Bát đất Rồng thiêng” trong 40 ngày, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhà xuất bản Thanh Niên đã cùng in cho tới 4.000 cuốn. Tôi kịp gửi Bác Trọng đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, 19/05/2022. Trong tập thơ này có bài thơ “Cây Đa Bác Trọng trồng”, có trang ảnh thực “Đa này, tay Bác Trọng trồng / Mười năm xanh tốt, mênh mông tình đời.”  

Giờ đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa về cõi vĩnh hằng. Đảng và Nhân dân cùng biến đau thương thành hành động cách mạng. Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự chân thành trung thực lý tưởng cách mạng,  gần Dân, vì Dân, uy tín thân thương đồng bào, đồng chí đồng lòng, quyết liệt chống tham nhũng, lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Bác Trọng càng mạnh mẽ tỏa sáng, truyền lửa trong lòng tôi. Cao tuổi hồn thanh xuân, tôi sẽ còn sống còn làm việc, cùng quê hương tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị của Khu lăng mộ và Đền thờ các vị Vua triều Lý mãi xứng đáng là Di tích Quốc gia đặc biệt, đón khách thập phương hành hương theo dấu chân của Bác Hồ, Bác Trọng về Đền Đô, thiện tâm, nhớ ơn tiền nhân, cùng “Vinh danh hào khí Thăng Long, vinh danh thời đại Hồ Chí Minh”.

Thanh Tú (Ghi theo lời kể của Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn)