Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng mãi trong nền văn hóa dân tộc

25/07/2024 20:11 Số lượt xem: 677
Là nhà lãnh đạo để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI trên hầu hết các lĩnh vực, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm lay động trái tim hàng chục triệu nhân dân, đồng bào trong nước và quốc tế. Nhân dân thương nhớ, cảm phục, tôn vinh cống hiến lớn lao của người lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân. Dù đã trút hơi thở cuối cùng về bên kia thế giới người hiền nhưng trong lòng dân tộc, trong tim mỗi người dân Kinh Bắc ông vẫn sống mãi...

Lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn”...  Văn hóa cũng là nền tảng gốc rễ, là mạch nguồn xuyên suốt hình thành nên tư tưởng, lý tưởng và phẩm cách của một vĩ nhân. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nói: “Những người làm nên lịch sử đều là những nhà văn hóa hoặc những người biết sử dụng sức mạnh của văn hóa”.
Với tầm trí tuệ của một tâm hồn yêu văn học nghệ thuật, đậm cốt cách người Tràng An và phẩm chất sĩ phu Bắc Hà, tình yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho văn hóa dân tộc thấm đẫm trong từng lời nói, lối sống, việc làm... Ông là tấm gương người cộng sản chân chính mẫu mực nói đi đôi với làm, một nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo lỗi lạc suốt đời cống hiến vì hạnh phúc của nhân dân.    
Nhớ lại sự kiện Festival Bắc Ninh năm 2010, khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, biết tin Bắc Ninh lần đầu tiên tổ chức Festival và tôn vinh các nghệ nhân Dân ca Quan họ, ông dành thời gian về gặp mặt thân mật đại diện nghệ nhân. Ông trân trọng trao tặng nghệ nhân tấm lụa đỏ, chúc nghệ nhân mạnh khỏe, trường thọ và dành tâm sức truyền dạy cho thế hệ con cháu những tinh hoa của Dân ca Quan họ. Sự quan tâm rất mực tận tình của Tổng Bí thư với tư tưởng trân trọng nghệ nhân như báu vật nhân văn sống đã “truyền lửa”, tạo động lực cho Bắc Ninh dám nghĩ, dám làm và trở thành tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ “tiền lương” hàng tháng cho nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là một ứng xử nhân văn, thiết thực, vì con người nhất của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Ninh trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.  

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đang là Chủ tịch Quốc hội gặp mặt thân mật đại diện Nghệ nhân Dân ca Quan họ được phong tặng đợt đầu vào tháng 4-2010 (Nguồn ảnh: CTTĐT Chính phủ).


Như bao người dân Việt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn yêu thiết tha những khúc hát dân ca. Ông tự hào: “Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một sinh hoạt văn hóa thể hiện tâm hồn, trí tuệ, cốt cách của con người Bắc Ninh. Việc UNESCO công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của Bắc Ninh mà của nhân dân cả nước. Đây là nguồn động viên, là cơ hội để tăng cường việc bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa của dân tộc - một kho báu, một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn và ngày càng phát triển”.
Tình yêu, tâm huyết mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho văn hóa được hun đúc từ nhiều yếu tố: Sinh ra và được nuôi dưỡng trong dòng sữa của miền dân ca ngọt ngào đằm thắm, giàu truyền thống văn hóa lịch sử, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc; trưởng thành trong bầu khí quyển nền nếp, cốt cách thanh lịch, tế nhị của người Tràng An, gia đình và quê hương đã truyền vào ông tình yêu sâu sắc đối với văn hóa.  

 

Tấm lụa đỏ - kỷ vật của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tặng nghệ nhân Dân ca Quan họ Nguyễn Thị Nguyên ở Khả Lễ (Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) năm 2010 vẫn được con cháu nghệ nhân nâng niu. Hiện kỷ vật này đang được bảo quản, lưu giữ tại phòng Trưng bày Quan họ xưa và nay của CLB Quan họ làng Hoài Trung (xã Liên Bão, huyện Tiên Du).

 


Hình ảnh áo tứ thân, yếm lụa sồi, khăn mỏ quạ... mà liền anh, liền chị quê nhà Bắc Ninh vẫn nâng niu gìn giữ luôn in đậm trong tim Tổng Bí thư. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, dẫn lại lời Bác Hồ trước lúc đi xa: “Muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc dân ca”, Tổng Bí thư xúc động nhắc lại câu hát của cố nhạc sĩ Trần Hoàn và tha thiết đề nghị: “Phải biết yêu quý những khúc dân ca, đừng để mai một mất thì tiếc lắm!”.
Cũng vẫn ở hội nghị này, sau khi nhắc đến hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú của dân tộc với những đại diện tiêu biểu như Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Ví dặm... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đặc biệt nhấn mạnh: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu của tổ tiên cha ông ta mấy nghìn năm để lại không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, phải trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta...”.
Thực hiện chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư, Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai hàng loạt cơ chế, chính sách, đề án, chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Một dấu son đáng chú ý là Nghị quyết số 71 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành ngay sau đó...
Như nước chảy đá mòn, những lời Tổng Bí thư nói, những việc ông đã làm, đặc biệt là cuộc đời thanh bạch ông đã sống đang thấm ngấm sâu sắc trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Hình ảnh một vĩ nhân “giản dị đến đau lòng”, một nhân vật tầm cỡ hiếm hoi không cần tra sử để tìm đã cảm phục được lòng dân, làm cho lớp người sau tự hào soi vào, tự tin nối bước một tấm gương dám sống, dám làm và bảo vệ lý tưởng của mình đến phút cuối cùng.   
Những lời tiễn biệt cho một người vừa nằm xuống là thước đo chuẩn xác nhất cho di sản mà người ấy để lại. Như cách mà nhân dân Việt Nam và người dân Bắc Ninh đang nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta sẽ còn nhắc mãi về di sản mà “ông già rực rỡ” ấy để lại qua “ngọn cờ liêm chính” và trong nền văn hóa nước nhà... Kính thương tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà văn hóa lớn của dân tộc, người con ưu tú của quê hương Kinh Bắc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh nguyện biến đau thương thành hành động, lấp đầy khoảng trống mất mát bằng sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng quê hương thịnh vượng bền lâu, vươn tầm vóc mới, vị thế mới. 

Trần Thảo