Tháo gỡ điểm “nghẽn”

08/11/2024 09:14 Số lượt xem: 36
Ngồi với mấy ông bạn về hưu cùng khu phố, ông Điều tấm tắc: Vừa rồi tại phiên khai mạc của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng được nhân dân rất quan tâm. Trong đó đề cập đến công tác xây dựng pháp luật, người dân tâm đắc nhất là câu “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Thật tình câu chuyện “không quản được thì cấm” không phải chỉ có ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ tư duy này.

Như tại Mỹ, để giảm thiểu tệ nạn xã hội liên quan đến rượu, đã có một quãng thời gian nước này ra quy định cấm sản xuất, vận chuyển và buôn bán đồ uống có cồn trên toàn quốc. Nhưng sau đó, họ phải thừa nhận chính sách thất bại vì tội phạm, tệ nạn không những giảm mà còn tăng vì dù bị cấm nhưng nhu cầu trong nhân dân vẫn còn dẫn đến “biến tướng” các hình thức sản xuất, buôn bán rượu lậu, rượu không bảo đảm chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm sản xuất kinh doanh rượu lậu…
Ông Độ lên tiếng: Trả phải nói bên Mỹ, ngay ở Việt Nam ta đây, mấy năm về trước khi một số hãng xe ôm công nghệ xuất hiện ngay lập tức được người dân yêu thích vì tính tiện lợi, minh bạch, song điều đó làm ảnh hưởng tới những tài xế xe ôm truyền thống. Có những ý kiến, thậm chí có địa phương còn áp dụng lệnh cấm tạm thời hoặc hạn chế giờ hoạt động của xe ôm công nghệ, nhưng gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ người dân. Chính quyền địa phương sau đó phải điều chỉnh chính sách để bảo đảm sự phát triển hài hòa cả xe ôm công nghệ và truyền thống mà không cần áp dụng biện pháp cực đoan “không quản được thì cấm” đấy.
Một ông khác phân tích: Nhìn gần hơn nữa ngay quanh mình đây tôi cũng thấy bao chuyện “không quản được thì cấm”, gây bức xúc trong quần chúng. Chuyện nhỏ mà cũng chẳng phải nhỏ nếu đánh giá một cách sâu xa. Điển hình như câu chuyện đổ rác thải sinh hoạt, cứ ở đâu có biển cấm thì ở đó thấy rác vứt bừa bãi. Hay mới đây, có trường học còn đưa ra quy định cấm học sinh không được mang điện thoại đến trường. Nghe thì có vẻ thể hiện sự nghiêm ngặt song liệu có hiệu quả, tại sao thay vì cấm đoán thì có quy định, hướng dẫn cụ thể để học sinh phát huy những mặt có ích của công nghệ, internet, smartphone như trong học Tiếng Anh, tìm kiếm tri thức thì sẽ thực tế hơn nhiều.
Ông Điều: Ông nói chí phải. Tư duy “không quản được thì cấm” đúng là “lợi bất cập hại”, là điểm “nghẽn” cần phải tháo gỡ càng sớm càng tốt. Nhiều ý kiến cho rằng cấm đoán là thể hiện phần nào sự yếu kém trong công tác quản lý. Vậy theo các ông đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc vấn đề trên?
Ông Độ: Thì trong bài phát biểu của Tổng Bí thư nói rõ rồi. Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài, luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tin tưởng rằng với sự đồng lòng, quyết tâm cao từ Trung ương đến địa phương, những điểm “nghẽn” sẽ dần được tháo gỡ, tư duy “không quản được thì cấm” sẽ bị loại bỏ, mở ra không gian, nội lực phát triển mới cho đất nước.

Xuân Me