Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khoẻ sinh sản trong trường học

24/12/2023 19:42 Số lượt xem: 744
Truyền thông có vai trò quan trọng đối với công tác Dân số. Nhờ hoạt động truyền thông phù hợp cả về nội dung, hình thức với từng nhóm đối tượng, nhận thức và hành vi của người dân cũng dần thay đổi. Truyền thông trong các nhà trường có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và kỹ năng tự chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phần lớn vị thành niên và thanh niên.

Buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân do Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn phối hợp với Trường THPT Ngô Gia Tự tổ chức có thời gian không dài, nhưng truyền tải được những kiến thức cơ bản và quan trọng về các vấn đề liên quan, phù hợp với lứa tuổi học đường. Bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, không phân biệt con gái - con trai, không lựa chọn giới tính thai nhi, quan tâm đầu tư cho trẻ em gái… hay các nội dung về: Tình bạn, tình yêu và tình dục; những dấu hiệu nhận biết có thai; sự ảnh hưởng đến sức khỏe khi phá thai ở tuổi vị thành niên; các bệnh lây qua đường tình dục; cách phòng tránh bị xâm hại tình dục; các biện pháp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn...
Một bạn gái đang học lớp 12, Trường THPT Ngô Gia Tự chia sẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản được truyền thông tại chương trình khá bổ ích. Tuy nhiên, em mong muốn sẽ có thêm những buổi truyền thông được tổ chức với quy mô nhỏ gọn hơn: “Tư vấn theo từng lớp chẳng hạn, vì tổ chức toàn trường sẽ có một số bạn không nghe hoặc còn e ngại nếu có vấn đề muốn hỏi”. Theo bạn gái, ở gia đình em, bố mẹ hầu như chỉ trao đổi về vấn đề học tập, chứ chưa cởi mở khi nhắc đến vấn đề này. Do vậy, khi thắc mắc điều thầm kín nào đó, em thường tìm thông tin trên mạng internet vì tính bảo mật hoặc tâm sự với chị gái.
Còn em Nguyễn Thị Hà My, học sinh khối 10 cho biết với việc được nghe và tương tác với các chuyên gia xoay quanh chủ đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản đã giúp em được biết thêm nhiều kiến thức về sức khoẻ sinh sản, các bệnh lây qua đường tình dục, cách phòng tránh, phòng ngừa những tình huống không mong muốn. “Chúng em mong mỗi năm lại có một chương trình nói chuyện chuyên đề như thế này” - Hà My bày tỏ.

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự tương tác với cán bộ y tế trong buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khoẻ sinh sản.


Nam sinh Nguyễn Anh Tuấn, khối 11 vui vẻ cho biết em cảm thấy rất thoải mái khi tiếp cận những thông tin này: “Khi đến tuổi dậy thì, cơ thể chúng em thay đổi rất nhiều, ở cả bạn nam lẫn bạn nữ. Có những khi tò mò, không biết hỏi ai, thông tin trên mạng thì có rất nhiều nguồn nhưng em không biết đâu là thông tin tin cậy, chính xác. Được tham dự buổi nói chuyện chuyên đề bổ ích này, cách trò chuyện của chuyên gia với nhiều kinh nghiệm và sự thấu hiểu đã giúp chúng em biết cách tự chăm sóc sức khoẻ bản thân”.
Theo cô giáo Ngô Thị Hằng, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Ngô Gia Tự, đây là buổi đầu tiên tổ chức truyền thông có quy mô toàn trường được tổ chức trong năm học này. Thông thường, các kiến thức, kỹ năng ngoài chương trình chính khoá thường được tổ chức lồng ghép trong hoạt động ngoại khoá thông qua một số môn như: Giáo dục địa phương, trải nghiệm hướng nghiệp. Chủ đề “Tình yêu tuổi học trò” cũng được chia sẻ trong một tiết học ở quy mô lớp học nên một số học sinh dám thổ lộ, do đó, các thày có định hướng để các em yêu sao cho đúng. “Nhà trường có Phòng tư vấn học đường với 7 thành viên của Tổ tư vấn, có Hòm thư lắng nghe để các con tâm sự, bảo đảm bí mật. Trang fanpage của Tổ Tư vấn cũng đang được hoàn thiện. Đây là những kênh thông tin quan trọng để nhà trường nắm bắt tâm lý tuổi mới lớn của các em, kịp thời có giải pháp hiệu quả” - cô Hằng cho biết thêm.
Trao đổi với thày giáo Vũ Thành Chung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự được biết, những năm gần đây, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và GD-ĐT, nhà trường thực hiện nghiêm các công văn hướng dẫn về chăm sóc sức khoẻ cho học sinh nói chung, trong đó có vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và thanh niên. “Buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên và tham vấn, tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân có ý nghĩa quan trọng với các em. Tuy nhiên, cùng lắng nghe với các em, tôi thấy nội dung chương trình khá rộng, vì vậy, mong muốn các đơn vị chuyên môn của Sở Y tế sẽ hỗ trợ để nhà trường có thể tổ chức những buổi tư vấn chuyên sâu hơn, hiệu quả hơn cho các nhóm” - Phó Hiệu trưởng Vũ Thành Chung chia sẻ.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên, thanh niên có ý nghĩa quan trọng khi góp phần phòng tránh nhiều hệ luỵ tiêu cực trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số. Hiện nay, tình trạng quan hệ tình dục sớm, tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 300 đến 400 nghìn ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được ghi nhận, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thông tin của Tổng cục Dân số, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, song tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.
Thể chất phát triển nhưng kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo vệ sức khỏe của lứa tuổi vị thành niên và thanh niên còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, một bộ phận lớn cha mẹ khi đối mặt với vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cho học các em còn lúng túng, thường có tâm lý e dè, né tránh. Khi có thắc mắc về những vấn đề “thầm kín”, các em sẽ có xu hướng tự lên mạng tìm hiểu hoặc tâm sự với bạn bè hơn là sẻ chia với cha mẹ, thầy cô. Việc tăng cường các hoạt động truyền thông để cung cấp những thông tin chính thống, trang bị cho vị thành niên, thanh niên có kiến thức, kỹ năng để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bản thân là cần thiết giúp các em có ý thức xây dựng cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần.

Việt Hoa