Nhiều giải pháp tăng số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt

10/06/2024 20:22 Số lượt xem: 187
Thanh toán không dùng tiền mặt hiện trở thành xu thế tất yếu mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cho người thụ hưởng cũng như cơ quan thực hiện giải quyết các chế độ, chính sách. Đối với ngành BHXH có số lượng người thụ hưởng chính sách lớn, việc thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng. BHXH tỉnh và các địa phương có nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.

Để triển khai hiệu quả các chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh về thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện các chế độ BHXH, ngành BHXH tham mưu các cấp, ngành hữu quan ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tuyên truyền cho người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân; thống nhất quy trình, thời gian và cách thức thực hiện với mục tiêu mang lại sự thuận tiện cho người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, không để đối tượng phải đi lại nhiều lần. Hàng tháng BHXH tỉnh cử cán bộ phối hợp với các ngân hàng và Tổ chức dịch vụ xuống tận các điểm chi trả ở các thôn, khu phố tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH nhận chế độ qua hình thức không dùng tiền mặt.
BHXH tỉnh tập trung thực hiện quyết định của BHXH Việt Nam về việc giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, giao chỉ tiêu phát triển người nhận các chế độ BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố. Hàng loạt các giải pháp được BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện như: Tăng cường tuyên truyền; phân tích, phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; đối với người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng cao tuổi, già yếu hướng dẫn ủy quyền cho thân nhân lĩnh thay qua tài khoản…
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, ngành cũng phát động các phong trào thi đua chuyên đề, trong đó có nội dung về vận động người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH qua hình thức không dùng tiền mặt. Định kỳ sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác phát triển người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Cán bộ BHXH và Bưu điện tuyên truyền chính sách BHXH
và lợi ích từ việc nhận lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt cho người dân Tiên Du.


Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và các cấp, ngành cùng những giải pháp đồng bộ, việc phát triển người hưởng chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận tiền qua phương thức không dùng tiền mặt đạt kết quả bước đầu quan trọng. Cụ thể, đến hết ngày 24-5, số người hưởng trợ cấp BHXH một lần trên địa bàn đạt 98%; số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt 100%; số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 25,1%. Trong đó, nhiều địa phương có số người hưởng lương hưu và trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt đạt cao như: Huyện Yên Phong đạt 38,7%; thuộc Văn phòng BHXH tỉnh đạt 32%; huyện Tiên Du đạt 29%...
Mặc dù vậy, việc chi trả không dùng tiền mặt trong thực hiện các chế độ BHXH cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể: Phần lớn người thụ hưởng cao tuổi, có thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch; việc sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt bị hạn chế nên vẫn còn tâm lý muốn nhận tiền mặt để thuận tiện cho tiêu dùng cá nhân và coi việc gặp nhau tại kỳ lĩnh lương hưu là dịp gặp gỡ, giao lưu hỏi thăm sức khỏe nên tỷ lệ đạt thấp. Công tác tổ chức triển khai thực hiện của BHXH tỉnh còn mang tính chất đơn lẻ, chưa huy động được sức mạnh của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc. Số lượng máy ATM trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, đặc biệt tại khu vực nông thôn, sau mỗi kỳ chi trả lương hưu qua tài khoản, nhiều thời điểm người dân phải chờ đợi mới có thể rút được tiền; việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu chợ dân sinh, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhiều nơi chưa phổ biến.
Mục tiêu chi trả chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức không dùng tiền mặt đến 30-8-2024 là: Giữ vững tỷ lệ chi trả trợ cấp thất nghiệp đạt 100%; chi trả BHXH một lần phấn đấu đạt 99%; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, tối thiểu đạt 85% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, các cấp, ngành đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trong thực hiện các chế độ BHXH. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn chỉ đạo BHXH tỉnh nhanh chóng hoàn thiện Kế hoạch triển khai cao điểm, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Các huyện, thị xã, thành phố cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tập trung chỉ đạo quyết liệt, kết hợp kiểm tra, cập nhật tiến độ thường xuyên. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp triển khai quyết liệt, thực hiện chi trả đúng người, đúng chế độ, công khai, minh bạch không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, bảo đảm việc chi trả đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, công tác triển khai và kết quả thực hiện…
Lợi ích từ việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với cơ quan BHXH cũng như người thụ hưởng là rất to lớn, bởi vậy, việc gia tăng nhanh số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua thẻ ATM là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của các cấp, ngành. Mỗi người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH cũng cần chủ động, nhận lương hưu và trợ cấp BHXH qua hình thức này để bảo đảm quyền lợi và phù hợp với xu thế phát triển xã hội hiện nay.

Lê Đại