Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Lê “Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề dạy học”

01/11/2024 10:24 Số lượt xem: 74
Năm 2024, ngành GD-ĐT Bắc Ninh vinh dự có 3 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT), trong đó có cô Nguyễn Thị Lê, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long, thành phố Bắc Ninh. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Bắc Ninh, NGƯT Nguyễn Thị Lê trải lòng: Tôi biết ơn nghề dạy học đã mang lại cho tôi nhiều giây phút thăng hoa trong cuộc sống, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề dạy học.

Phóng viên: Cảm xúc của chị khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú?
NGƯT Nguyễn Thị Lê: Thật khó diễn tả hết các cung bậc cảm xúc của mình, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ oà bên người thân, gia đình và đồng nghiệp. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, ngôi trường mà tôi gắn bó sắp kỷ niệm 20 năm thành lập, đã trải qua hành trình đầy gian nan vất vả, nhưng chúng tôi luôn tự hào về tinh thần đoàn kết vươn lên. Tôi luôn trân trọng biết ơn các đồng nghiệp đã luôn ủng hộ để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ và có được danh hiệu cao quý như ngày hôm nay.
Phóng viên: Được biết, trước khi trở thành Phó Hiệu trưởng trường cấp 3, chị từng nhiều năm là giáo viên Toán cấp 2?
NGƯT Nguyễn Thị Lê: Tôi tốt nghiệp Đại học sư phạm Toán năm 1991, đúng thời điểm ngành giáo dục cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn do tinh giản biên chế, bởi vậy tôi được phân công dạy Toán cấp 2 tại xã Phượng Mao (Quế Võ). Với nỗ lực bản thân, năm 1997 tôi đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi tỉnh, trở thành giáo viên cốt cán của Phòng GD-ĐT Quế Võ; năm 1999 tôi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bằng An. Làm quản lý, tôi tiếp tục dạy và tiếp tục thi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh... Một sự thật thú vị nữa, năm 2001 Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Nho Nùng dự giờ đúng tiết dạy Toán tại Trường THPT dân lập Quế Võ do tôi đứng lớp. Thấy bài giảng cuốn hút, giờ ra chơi, Giám đốc Sở trò chuyện và bất ngờ khi biết tôi đang dạy cấp 2. Ông bảo nếu có nguyện vọng cống hiến đúng chuyên môn đào tạo cấp học, ông giới thiệu về Trường THPT Quế Võ số 1. Vậy là cuối năm 2001, tôi trở thành giáo viên Toán một trường công lập có tiếng.
Phóng viên: Ở Trường THPT Quế Võ số 1, chị đã thể hiện được những gì?
NGƯT Nguyễn Thị Lê: Vốn say chuyên môn nên khi về trường mới, tôi càng có cơ hội thể hiện sở trường giáo viên Toán cấp 3. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm, ở trường mới, tôi may mắn được tiếp xúc với vị Hiệu trưởng trí tuệ và đáng kính, đó là nhà giáo Lê Đức Vĩ. Thầy Vĩ rất khéo dùng người vào vị trí phù hợp. Tôi cảm nhận, hơn 2 năm dạy học tại đây, mặc dù thầy Vĩ biết rõ chuyên môn của tôi nhưng không phân công dạy lớp chọn mà đề nghị dạy 1 lớp hệ B có nhiều học sinh nghịch ngợm, ham chơi và lười học. Tôi hiểu ý thủ trưởng nên đã nỗ lực hết mình, dạy các em bằng cả tấm lòng thương mến, đáp lại tình cảm của cô chủ nhiệm, các em chuyển biến rất nhanh, cuối năm học được xếp thứ 3 toàn trường về nền nếp. Năm 2004, Sở GD-ĐT tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thầy Vĩ phân công tôi tham dự nội dung thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, tôi may mắn là người duy nhất được công nhận Giáo viên chủ nhiệm giỏi xuất sắc cấp tỉnh năm học 2003-2004.
Phóng viên: Như chị từng tâm sự, việc chuyển từ trường THPT Quế Võ số 1 về trường THPT Hàm Long là một quyết định đầy khó khăn?
NGƯT Nguyễn Thị Lê: Đúng vậy, Trường THPT Hàm Long thành lập tháng 11-2004. Tiếng là trường nhưng mới chỉ trên giấy, chưa có cán bộ giáo viên và học sinh, chỉ duy nhất có Hiệu trưởng là thầy Trịnh Quang Thắng. Đến tháng 2-2005, trường có thêm 2 người là tôi và anh Lượng kế toán, phải đến đầu tháng 7-2005, một loạt giáo viên mới được điều động về trường chuẩn bị công tác tuyển sinh để hoạt động từ năm học 2005-2006. Việc chuyển về trường mới là quyết định khó khăn không chỉ với riêng tôi mà có lẽ với tất cả các đồng nghiệp sau đó. 2 năm học 2005-2006 và 2006-2007, trường có 15 lớp nhưng vì chưa có trường nên phải hoạt động 1 chốn 4 nơi: học nhờ trường THPT dân lập Quế Võ, trường THCS xã Phương Liễu và 2 nhà dân khu vực xã Phương Liễu. Hầu hết giáo viên không hình dung hết những khó khăn khi chuyển về đây. Ngay thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Khương (hiện là Hiệu trưởng nhà trường), tôi cũng phải động viên mấy lần mới chịu về trường này. Tôi động viên vì biết Khương có năng lực và khát vọng cống hiến, về trường mới trước mắt khó khăn nhưng có nhiều cơ hội vươn lên khẳng định bản thân. Riêng với tôi, quyết định chuyển về trường này còn có một lý do khác, đó là vợ chồng tôi chuẩn bị xây nhà ở thành phố Bắc Ninh, chồng tôi thì công tác tại Yên Phong, nếu tôi ở Quế Võ thì việc đi lại của 2 vợ chồng và chăm sóc con cái rất khó khăn.
Tất nhiên, gác lại các lý do chung riêng, khi về công tác tại trường, tôi đã toàn tâm toàn ý cho công việc chuyên môn. Đúng ngày sinh nhật Bác (19/5/2006), tôi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng, vẫn tham gia dạy Toán các khối lớp.

 

Học sinh Trường THPT Hàm Long tặng hoa chúc mừng NGƯT Nguyễn Thị Lê.


Phóng viên: Với bề dày thành tích cống hiến, về trường mới 1 năm đã được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng, vậy chị đã từng đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn?
NGƯT Nguyễn Thị Lê: Tôi tự nhận thấy mình rất yêu chuyên môn và có khát vọng cống hiến, nhưng khát vọng cống hiến không có nghĩa là phải phấn đấu lên Hiệu trưởng trường này hay trường khác. Tôi thấy mình phù hợp hơn khi làm chuyên môn và giúp việc Hiệu trưởng... Trên thực tế, việc tôi không đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn còn có 1 lý do nữa, đó là năm 2005, chồng tôi được bổ nhiệm Giám đốc một đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT. Giả sử, trong gia đình, nếu cả 2 vợ chồng cũng làm trưởng, sẽ rất vất vả việc nhà.
Phóng viên: Mấy chục năm gắn bó với nghề dạy học, chị có thấy băn khoăn gì về các quyết định của mình trong từng giai đoạn?
NGƯT Nguyễn Thị Lê: Như đã chia sẻ ở trên, tôi biết ơn nghề dạy học đã mang lại cho tôi nhiều giây phút thăng hoa trong cuộc sống và nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề dạy học... Tôi cũng muốn tâm sự thêm với nhà báo, tôi sinh ra ở Phú Mẫn, thị trấn Chờ (Yên Phong). Gia đình tôi dù rất khó khăn nhưng 7 anh chị em tôi vẫn được bố mẹ dạy dỗ nên người. Anh cả là liệt sĩ chống Mỹ, còn 6 anh chị em tôi đều là cán bộ, trong đó nhiều người là đảng viên, bản thân tôi thoả nguyện ước mơ thành cô giáo dạy Toán và ở chặng cuối công tác được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NGƯT. Nhân đây, tôi cũng bày tỏ niềm biết ơn các đồng chí, đồng nghiệp của tôi ở Trường THPT Hàm Long, ngôi trường còn nhiều gian khó nhưng luôn ý thức vượt lên nhờ biết phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu không được công tác trong môi trường tuyệt vời đó, chắc tôi không có được niềm hạnh phúc như hôm nay...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn và chúc NGƯT Nguyễn Thị Lê luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Chủ tịch nước đã phong tặng!

Thanh Tú