Người cao tuổi làm kinh tế giỏi

04/12/2023 19:52 Số lượt xem: 641
Phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” trên lĩnh vực làm kinh tế của các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh được phát huy ngày càng sâu rộng, thu hút hàng vạn người cao tuổi tham gia, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình mới, cách làm hay và đạt kết quả thiết thực, góp phần tạo việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Toàn tỉnh hiện có 62.176 người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chiếm 30,29% tổng số người cao tuổi; trong đó có 2.208 người cao tuổi làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động, đóng góp đáng kể cho việc phát triển kinh tế và thu ngân sách của địa phương; 1.570 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, trong đó có 9 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi cấp Trung ương; 36 người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp tỉnh; 198 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi cấp huyện; 1.327 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi cấp xã.
Nhiều cán bộ, hội viên người cao tuổi phát huy kinh nghiệm của mình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội, giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều người lao động, tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, góp phần làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Thông qua các hoạt động kinh tế, nhiều người cao tuổi từ khó khăn vươn lên trở thành giàu có, khá giả; nhiều hội viên người cao tuổi ngoài 70, 80 tuổi vẫn là người đứng đầu các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã…
Với tiềm năng đất đai, nhân lực sẵn có của địa phương, phát huy lợi thế, điều kiện phát triển sản xuất, nhiều người cao tuổi xây dựng trang trại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nhận đấu thầu ao hồ, đất hoang hóa, đất trồng lúa chuyển sang nuôi trồng thủy sản, phát triển trang trại VAC, thu hút nhiều lao động làm việc, cho thu nhập cao và ổn định. Tiêu biểu như:  Ông Nguyễn Đăng Khuê, 69 tuổi, thôn Kim Thao, xã  Lâm Thao áp dụng mô hình VAC trên diện tích đất 2 mẫu ao để thả cá, trồng cây ăn quả, rau sạch; chăn nuôi gia súc, gia cầm… trừ chi phí mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng. Ông Trịnh Văn Đại, 69 tuổi, thôn Quảng Nạp, xã Quảng Phú, sản xuất, kinh doanh trên diện tích ao 7.000 m2 và kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… tạo việc làm cho 25 lao động với mức lương ổn định từ 7 triệu đến 10 triệu đồng.

 

Người cao tuổi huyện Lương Tài tích cực áp dụng khoa học kĩ thuật trong nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia đình.


Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có nhiều thế mạnh, tiềm năng, truyền thống, kinh nghiệm của địa phương nên nhiều người cao tuổi chú trọng đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập cho gia đình và cộng đồng, tiêu biểu như: Ông Trần Văn Thư, 70 tuổi, thôn Phù Lãng, xã Phù Lãng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đại Tân, chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 400 công nhân; lương bình quân của công nhân từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng; doanh thu hàng năm trên 120 tỷ đồng, lợi nhuận trên 4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Kim Hùng, 66 tuổi, thôn Cầu Đào, xã Nhân Thắng, chuyên sản xuất máy bơm và động cơ điện, doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30-40 lao động, với mức lương bình quan từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên người cao tuổi tiếp tục phát huy nghề truyền thống, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, huy động được nguồn lực trong nhân dân, giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống sẵn có, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Để phát huy vai trò NCT trong làm kinh tế giỏi, Hội NCT các cấp thường xuyên tham mưu cho các cấp ủy Đảng tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, nhất là chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hàng năm, Ban Đại diện Hội NCT thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp NCT phát huy tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”. Đặc biệt là nêu gương sáng, tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Với phương châm hội viên còn sức khỏe có điều kiện thì trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, dịch vụ để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, hội viên sức khỏe yếu thì hướng dẫn cho con cháu về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định và cải thiện cuộc sống.
Các cấp Hội chủ động triển khai sâu rộng trong hội viên bằng nhiều hình thức khác nhau như tham quan trao đổi kinh nghiệm và qua các hội nghị tạo sự chuyển biến về nhận thức trong tầng lớp NCT, thay đổi tập quán canh tác cũ, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, mùa vụ, thị hiếu người tiêu dùng, mạnh dạn bỏ vốn tự có hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, việc tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ hội viên nghèo cũng được các cấp Hội quan tâm đúng mức, giúp hội viên có nhu cầu về vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm bền vững cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Có thể nói rằng, phong trào người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực về việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Minh Hường