Ngày mới ở Phong Khê

01/11/2024 10:10 Số lượt xem: 99
“Cuộc cách mạng” chống ô nhiễm môi trường sản xuất giấy ở Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) đang dần đi đến những thành công ngoài mong đợi. Mặc dù có rất nhiều khó khăn trắc trở song chắc chắn Phong Khê sẽ khoác lên mình một diện mạo mới, khang trang, hiện đại, sạch đẹp, không còn ô nhiễm.

Thành quả ấy là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố Bắc Ninh, nhất là vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về đóng cửa, di dời, chuyển đổi các ngành nghề gây ô nhiễm nằm trong khu dân cư trước 31-12-2024. Cuộc cách mạng chuyển đổi của Phong Khê sẽ là bài học lớn cho công tác xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng trong tỉnh.

 

Người dân Phong Khê đồng thuận xin dừng sản xuất để chuyển đổi, di dời các cơ sở gây ô nhiễm.


Giữa tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, làng giấy Phong Khê trầm lặng hơn bao giờ hết. Chúng tôi thong dong dọc con đường chính nối các khu Dương Ổ, Ngô Khê, Châm Khê thấy thênh thang, yên ắng lạ. 2 bên nhà xưởng cửa đã đóng, không còn hình ảnh những chiếc xe chở hàng cồng kềnh, chạy rầm rầm, ách tắc giao thông như thời gian trước nữa, chỉ còn các phương tiện cá nhân của người dân trong khu lưu thông. Chúng tôi thực sự cảm nhận được Phong Khê đang chuyển mình, bắt đầu một sứ mệnh mới, một hành trình phát triển mới, bắt nhịp cùng hội nhập. Bà Nguyễn Hồng Linh, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh, người đồng hành nhiều năm với công tác bảo vệ môi trường Phong Khê phấn chấn: Người dân thực sự đồng thuận cao, dù có những khúc mắc, những trăn trở và không tránh khỏi thiệt hại kinh tế khi chậm lại một nhịp sản xuất. Không phải chờ đến 31-12-2024 mới kết thúc lộ trình đóng cửa, di dời, chuyển đổi các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư, ngay từ bây giờ (hết tháng 10-2024), cơ bản các chủ cơ sở sản xuất đã xin dừng hoạt động; một bộ phận di dời sản xuất đến địa điểm mới như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Nam, Thanh Hoá; một bộ phận sẽ xây dựng các khu trưng bày giấy thành phẩm, gia công giấy ngay trong làng nghề. Như vậy, làng nghề giấy truyền thống Phong Khê vẫn giữ nguyên giá trị, phát triển trong môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, đời sống nhân dân chắc chắn sẽ ổn định, đi lên.
 Quả thực, người dân Phong Khê đã nhận thức sâu sắc được mức độ nguy hại đến chất lượng cuộc sống do ô nhiễm từ sản xuất giấy gây ra. Anh Nguyễn Văn Chuyên, xóm Bến, khu Dương Ổ, người gắn bó với nghề truyền thống nhiều năm, nay quyết tâm cùng với nhân dân trong khu đóng cửa sản xuất, di dời máy móc lên lập nghiệp lại tại Vĩnh Phúc. Cơ sở sản xuất cũ trên đất ở lâu dài của gia đình được anh tu sửa khang trang, làm điểm trưng bày, nơi trung chuyển sản phẩm giấy thành phẩm. “Từ năm 2022, chúng tôi đã được tỉnh, thành phố tuyên truyền về lộ trình đóng cửa, di dời, chuyển đổi các cơ sở sản xuất. Lúc đầu, tôi cũng như các hộ sản xuất ở đây thực sự hoang mang, không biết bắt đầu thay đổi như thế nào, người dân đã có những biểu hiện chống đối. Chỉ khi được đối thoại cởi mở, trực tiếp với Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Hiếu, được Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố tuyên truyền, vận động, tạo hướng mở cho người dân, đến thời điểm này, tôi yên tâm, chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố, mặc dù thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ. Tôi mong muốn UBND tỉnh, thành phố Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ, tìm hướng đi thoả đáng, để người dân Phong Khê thực sự yên tâm ổn định cuộc sống”. Anh Chuyên chia sẻ.   
Làng nghề giấy ở Phong Khê có truyền thống lâu đời hàng trăm năm, với phương pháp sản xuất thủ công (ngâm nước vôi, nấu, giã và seo giấy...). Kinh tế thị trường phát triển, nhiều năm nay, người dân đã chuyển đổi hình thức sản xuất sang công nghiệp, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư máy móc, dây chuyền, thiết bị sản xuất nhiều loại giấy khác nhau như: giấy Kraft, giấy vệ sinh, giấy vàng mã... Nguyên liệu sản xuất chính là giấy vụn, giấy lề, giấy phế liệu... khiến ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải, chất thải ngày một gia tăng, gây nhức nhối dư luận xã hội. Trên địa bàn phường có 326 cơ sở sản xuất giấy, trong đó có 228 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, hầu hết không bảo đảm các yếu tố môi trường, sản xuất trên đất vi phạm, vi phạm về an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy... Trước thực trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng đó, UBND thành phố đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030”, trong đó nhấn mạnh lộ trình chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư trước ngày 31-12-2024 và các cơ sở, doanh nghiệp trong CCN Phong Khê I, II trước 31-12-2029, hình thành khu đô thị dịch vụ, thương mại phát triển. UBND thành phố Bắc Ninh nhanh chóng bắt tay vào cuộc, ban hành, triển khai 86 văn bản liên quan đến nội dung về công tác bảo vệ môi trường; thành lập 9 Đoàn kiểm tra, rà soát các cơ sở gây ô nhiễm; tuyên truyền, vận động kế hoạch chuyển đổi, hướng phát triển để toàn dân phường Phong Khê biết, chấp thuận; tổ chức nhiều cuộc đối thoại, gợi mở địa điểm sản xuất mới cho người dân… tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Những bước triển khai thấu tình, đạt lý, nhưng thực sự kiên quyết của Thành uỷ, UBND thành phố Bắc Ninh về xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng giấy Phong Khê được Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, đánh giá cao; yêu cầu các địa phương khác như Yên Phong (làng nghề Văn Môn), Tiên Du (CCN Phú Lâm) lấy đó làm bài học, giải pháp để áp dụng hiệu quả vào nhiệm vụ của địa phương mình trong thực hiện nghiêm các yêu cầu của tỉnh về bảo vệ môi trường song hành cùng phát triển kinh tế.
 Trong hành trình giải quyết ô nhiễm bảo vệ môi trường, người dân Phong Khê luôn được tỉnh và các cấp của thành phố quan tâm sâu sát. Điển hình là chủ trương của thành phố tiếp tục cho vận hành hiệu quả Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê để tiếp nhận nước thải sản xuất từ các cơ sở sản xuất giấy trong CCN và xử lý đạt quy chuẩn theo quy định; các sản phẩm giấy trong CCN là nguồn nguyên liệu để các hộ dân ở đây thực hiện gia công giấy, trưng bày, bán giấy thành phẩm, tạo việc làm ổn định. Đối với các cơ sở trong khu dân cư xin tự đóng cửa sản xuất, thành phố đồng hành hỗ trợ cung cấp thông tin, liên hệ, giới thiệu địa điểm, khu vực tiếp nhận dự án sản xuất giấy tái chế tới các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục hoạt động sản xuất giấy tại các KCN, CCN huyện Hiệp Hòa- Bắc Giang; CCN Quảng Chu- Bắc Kạn; Việt Sơn- Lào Cai; Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Nam, Thanh Hoá… Đồng thời cam kết tạo việc làm cho hơn 4.000 công nhân trong làng nghề đến làm việc tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp của thành phố, bảo đảm an sinh và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép các cơ sở làm văn phòng đại diện giữ mối liên hệ với khách hàng, làm kho chứa hàng hóa hoặc khu vực gia công, kinh doanh các loại hình không gây ô nhiễm môi trường. Tham mưu, trình UBND tỉnh phương án, kinh phí hỗ trợ di dời, chuyển đổi ngành nghề cho người dân Phong Khê, nhằm ổn định tình hình địa phương.
Tạm biệt Phong Khê, chúng tôi tin rằng làng giấy hàng trăm năm ấy thực sự sẽ khoác lên mình bộ áo mới, khang trang, hiện đại, sạch đẹp, hoà cùng dòng chảy hội nhập. Những khu nhà cao tầng, những cửa hàng trưng bày sản phẩm làng nghề sẽ được xây dựng, một khu đô thị thương mại, dịch vụ, sinh thái hiện hữu trong tương lai gần ở Phong Khê.

Ghi chép của Hoài Anh