Lễ hội truyền thống Thập Đình

15/03/2024 15:49 Số lượt xem: 933
Ngày 15-3, tại quần thể di tích lịch sử văn hóa thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình tổ chức lễ hội truyền thống Thập Đình năm Giáp Thìn-2024.

Theo sử sách, trang Bảo Tháp, khu Đông Cứu sinh thành Doãn Công - Đào Nương, ngày ngày luyện võ, mài gươm, hội tụ nghĩa quân tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40, quét sạch quân Đông Hán xâm lược, bảo vệ giang sơn, xã tắc. Cũng tại miền địa linh này, năm Canh Dần - 1050, sinh ra Lê Văn Thịnh thông minh hiếu học. Năm Ất Mão -1075, Người đỗ đầu kỳ thi Minh kinh bác học và nho học tam trường,  được xem như Trạng nguyên khai khoa của nước Đại Việt. Năm 1085 triều Lý sắc phong Lê Văn Thịnh chức Thái sư!

 

Các làng rước kiệu, lễ vật, đồ thần khí tụ hội tại đình làng Bảo Tháp để tế lễ.

 

 Với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân 10 làng quanh núi Thiên Thai và các làng của 3 huyện, 5 xã đó là: Thôn: Bảo Tháp, Cứu Sơn, Yên Việt, Hiệp Sơn, Đông Cao, Nghĩa Thắng (xã Đông Cứu); Hương Vinh (thị trấn Gia Bình); Chi Nhị (xã Song Giang); Huề Đông, Trung Thành (xã Đại Lai); Vân Xá, phường Cách Bi; Trạc Nhiệt, xã Mộ Đạo (thị xã Quế Võ); thôn Đình Tổ, xã Đình Tổ (thị xã Thuận Thành) chọn mồng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm tổ chức lễ hội. Vào những năm Thân, Tý, Thìn các làng rước kiệu, lễ vật, đồ thần khí tụ hội tại đình làng Bảo Tháp để tế lễ, mở hội ghi nhớ công đức của Doãn Tướng quân và Thái sư Lê Văn Thịnh đã có nhiều công lao với dân với nước.

 

Các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương tại đình làng Bảo Tháp.

 

Ngày 10-2-1994 Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia với đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh. Đình, Đền Bảo Tháp được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Lễ hội Thập Đình năm Giáp Thìn 2024 được tổ chức với quy mô cấp huyện nhân kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Gia Bình; kỷ niệm 30 năm đền thờ Lê Văn Thịnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; 20 năm đình Bảo Tháp và 10 năm đền thờ Doãn Công - Đào Nương được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến 16-3 (ngày 5 đến 7-2 âm lịch) gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có lễ mộc dục, nghi thức rước lư hương về tế lễ nhập tịch tại đình Bảo Tháp, vào ngày chính hội 6-2 là nghi thức rước kiệu của 10 làng với quy mô hơn 1.000 người tham gia. Phần hội với nhiều hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ như: Hát Quan họ, diễn chèo, bóng chuyền hơi, cầu lông, kéo co... và nhiều trò chơi dân gian độc đáo.

Hường-Hoa