Lan tỏa văn hóa giao thông

04/09/2024 20:52 Số lượt xem: 156
Phát huy vai trò, trách nhiệm toàn dân trong xây dựng “Tỉnh ATGT”, thời gian qua, các đơn vị, địa phương xây dựng nhiều mô hình về bảo đảm trật tự ATGT mang lại hiệu quả tích cực.

Trường THPT Hàn Thuyên (thành phố Bắc Ninh) là trường học đầu tiên trong tỉnh được Sở GD-ĐT, Công an tỉnh, Sở GT-VT chọn xây dựng thí điểm mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT”. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện với 17 tiêu chí, một môi trường tham gia giao thông an toàn cho học sinh và thuận tiện cho công tác quản lý đã hình thành. Khu vực cổng trường được bổ sung đầy đủ biển báo, vạch kẻ đường, gờ, gồ giảm tốc, đèn chiếu sáng. Nhà xe quy hoạch, bố trí sắp xếp lại, sơn, kẻ vẽ, phân chia khu vực để xe theo khối, lớp; trang bị hệ thống loa truyền thanh, pano, áp phích, hình ảnh, biển bảng tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, văn hóa giao thông; lắp đặt hệ thống camera giám sát, bình chữa cháy, nội quy, tiêu lệnh PCCC, quy định về điều kiện phương tiện, độ tuổi điều khiển phương tiện… Trên mỗi xe được dán logo ghi thông tin học sinh tại vị trí dễ quan sát phục vụ công tác kiểm tra, quản lý tại nhà xe, giúp đỡ lực lượng chức năng nhanh chóng hỗ trợ học sinh khi có sự cố xảy ra.
Bà Đặng Thị Bích Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên cho biết: “Từ khi triển khai mô hình, ý thức tham gia giao thông của cán bộ, giáo viên, học sinh được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, không còn tình trạng học sinh gửi xe ngoài trường học, vi phạm quy định ATGT. Các em học sinh rất hào hứng tham gia quay, dựng các clip văn hóa giao thông, tình huống giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn để tuyên truyền trong các buổi ngoại khóa và trên nền tảng mạng xã hội…”.
Sau thời gian triển khai thí điểm thành công tại trường THPT Hàn Thuyên  mô hình được nhân rộng ra nhiều trường học tại các huyện, thị xã, thành phố. Tại trường Tiểu học Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh), trong năm học mới 2024-2025, thầy và trò hứng khởi khi khu vực nhà xe được khoác lên một diện mạo mới hiện đại, ngăn nắp, khoa học và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về tham gia giao thông an toàn. Thầy Trần Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tổ thường trực ATGT của trường thường xuyên có mặt ở khu vực nhà xe hướng dẫn, nhắc nhở học sinh xếp xe đúng vị trí quy định, tuyên truyền đến phụ huynh tuân thủ quy định pháp luật về trật tự ATGT. Đáng mừng là mô hình được đón nhận, đánh giá cao, tác động trực tiếp đến ý thức tham gia giao thông hàng ngày cũng như tạo dựng nền nếp, văn hóa giao thông của các em học sinh”.
Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: “Việc xây dựng mô hình hướng tới xây dựng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh từ lứa tuổi học sinh. Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tích cực phối hợp với các địa phương, trường học nghiên cứu, đánh giá về mô hình nhằm mục tiêu tuyên truyền, kiểm soát tình hình chấp hành quy định ATGT ngay từ trong nhà xe của mỗi trường học, giảm thiểu tối đa nguy cơ tai nạn giao thông với học sinh…”.

 

Cô và trò trường Tiểu học Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh) xếp xe gọn gàng trong khu vực nhà xe ATGT.


Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến đầu năm học 2024-2025, mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT” được triển khai ở 298 trường học và đến giữa tháng 11 sẽ nhân rộng đến 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh. Ngành Giáo dục - Đào tạo tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng duy trì, nhân rộng nhiều mô hình bảo đảm ATGT phát huy hiệu quả tích cực như: “Đi đến trường an toàn - về đến nhà an toàn”, “Giáo dục ATGT”, “Cổng trường ATGT”, “Xếp hàng đón con”,“Nút giao thông an toàn”… Bên cạnh giải quyết các vấn đề giao thông ở khu vực trường học, các mô hình hướng tới đa dạng hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ, các cấp bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tỉnh tích cực đóng góp xây dựng tỉnh ATGT thông qua hoạt động có hiệu quả các mô hình đội thanh niên tình nguyện đảm bảo trật tự ATGT, tuyến đường thanh niên tự quản, cổng trường ATGT; gắn khẩu hiệu tuyên truyền “Đã uống rượu bia, không lái xe” tại điểm dừng đỗ chốt đèn giao thông, đầu các khu phố, cổng trường học, lối vào các ngõ xóm; hưởng ứng, nhân rộng các mô hình, công trình, phần việc của thanh thiếu nhi tham gia bảo đảm trật tự ATGT: “Ngõ an toàn giao thông”, “Nút an toàn giao thông”, “Thông điệp giao thông”;… góp phần bảo đảm ATGT đến từng ngõ, xóm.
Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cơ sở tham mưu xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện nhiều mô hình, điển hình xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo đảm trật tự ATGT như: “Xã, phường, thị trấn ATGT”; “Khu dân cư ATGT”; “Tuyến đường ATGT”, “Bến đò ngang văn hóa an toàn”; “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề ATGT”; “Doanh nghiệp ATGT”; “Dòng họ, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ATGT”; “Gia đình có trách nhiệm trong thực hiện ATGT”... Người dân cũng tự nguyện đóng góp sức người, sức của để xây dựng các công trình giao thông như: Hiến đất, ủng hộ tiền, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, bảo vệ hành lang lộ giới, lót gạch vỉa hè, xây dựng bờ kè đường thủy nội địa…
Những việc làm thiết thực đó góp phần lan tỏa các mô hình về bảo đảm trật tự ATGT đến từng ngõ xóm, đơn vị, trường học, gia đình, dòng họ, tạo nên khí thế mới thay đổi nhận thức, thái độ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân. Qua đó, khẳng định sự đồng tình, ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân với việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 87 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giảm dần những hành vi tiêu cực khi tham gia giao thông, kéo giảm nguy cơ tai nạn giao thông và từng bước hình thành nét đẹp văn hóa giao thông của người Bắc Ninh.

Hoài Phương