Kiểm soát chặt chẽ các loại thực phẩm chức năng
Theo nắm bắt, ngoài khoảng 20 công ty sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được phân phối đến tay người tiêu dùng bởi hệ thống các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh. Bà Hoàng Thị Liễu, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Theo quy định, việc tổ chức đánh giá, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Cục An toàn thực phẩm thực hiện. Kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trong 2 năm 2021 và 2022 do Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh thực hiện đối với 84 mẫu của 8 loại sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đang lưu thông trên thị trường cho thấy có 6 mẫu không đạt. Đây là những mẫu không đạt về chỉ tiêu xét nghiệm Sibutramin đối với nhóm thực phẩm chức năng giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì. Khó khăn nhất trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hiện nay là hình thức mua bán online tràn lan, không ít người mua thực phẩm chức năng do được truyền tai mà không tìm hiểu kĩ về công dụng thực sự và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Khang, Trưởng phòng Thanh tra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cho biết thêm: Giữa năm 2023, Thanh tra Bộ Y tế có thông báo về việc tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 17 cơ sở sản xuất, nhập khẩu kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh và đơn vị không nhận được phản hồi về việc xử lí, xử phạt, điều này có thể hiểu là những cơ sở này đều đạt các yêu cầu theo quy định.
Cùng với việc thu nhập và tiêu chuẩn đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu của người dân đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cũng ngày một lớn. Hoàn toàn dễ hiểu khi thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng với tần suất dày đặc. Bên cạnh một số tác động tích cực mà người tiêu dùng có được như: Được tiếp cận với nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ uy tín, chất lượng, phù hợp với tình trạng bệnh lí và sức khoẻ; kịp thời nắm bắt các chương trình khuyến mại; tương tác, trao đổi trực tiếp với nhà thuốc, tư vấn viên… thì người tiêu dùng cũng dễ dàng rơi vào “ma trận” trên thị trường mạng chất lượng thật - giả lẫn lộn.
Thực phẩm chức năng được quảng cáo và bán online cần được tăng cường quản lý nhằm bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng.
Ảnh: Đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu.
Các cơ quan chức năng chỉ ra rằng, nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp quy định của pháp luật và sức khoẻ, tính mạng của người sử dụng, có hành vi gian dối, trục lợi qua quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ dưới nhiều hình thức như: Quảng cáo cho sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt; quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh, kèm theo các bài viết có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh, các bài viết mô tả cá nhân sử dụng sản phẩm, mượn danh, mạo danh lương y, bác sĩ, người mặc trang phục ngành Y tế… Các loại quảng cáo này thường tập trung vào nhóm sản phẩm hỗ trợ bệnh tiểu đường, mỡ máu, giảm cân, xương khớp, sinh lí nam, làm đẹp…
Niềm tin “sai lệch” đối với quảng cáo thực phẩm chức năng cũng được củng cố, gia tăng khi rất nhiều quảng cáo vi phạm được những người có tầm ảnh hưởng như các nghệ sĩ, người nổi tiếng… Điều này cũng đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua khi hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo cho thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chưa chính xác về công dụng, tính năng của sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khiến cộng đồng bức xúc. Hậu quả là nhiều trường hợp bệnh nhân bị mắc các bệnh mạn tính nhưng lại tin vào nội dung quảng cáo lệch lạc, cho rằng các sản phẩm này là “thần dược”, khiến họ bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị bệnh, làm ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ…
Theo các bác sĩ, chuyên gia về an toàn thực phẩm, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quảng cáo thổi phồng… dẫn đến tiền mất mà tật vẫn mang, người dân chỉ nên mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và lựa chọn loại sản phẩm có đầy đủ tem, nhãn mác, rõ ràng địa chỉ nhà sản xuất cũng như thông tin thương nhân công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng. Đồng thời dùng đúng hướng dẫn sử dụng; không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng khi không hiểu rõ về sản phẩm; không vì tham rẻ mà mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…