Khoảng lặng giữa “3 không”

13/09/2024 14:23 Số lượt xem: 271
Cơn bão số 3 quét qua để lại hậu quả nặng nề với cây gãy, tường đổ, nhà tốc mái… Bão tan, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, kiến thiết thành phố. Anh họ tôi sống cách mấy chục cây số, bị mất liên lạc hoàn toàn. Muốn biết tin của gia đình anh nhưng không thể, tôi đành để lại tin nhắn zalo hỏi thăm và thông báo cho anh nhà tôi ổn cả.

Đã  4 ngày trôi qua, tin nhắn đến anh vẫn trong trạng thái chờ. Tận ngày thứ 5 mới thấy anh hồi âm: “Anh ổn. Mấy ngày qua nhà anh trong trạng thái “3 không”: Không điện, không điện thoại, không internet. Cũng trong những ngày “3 không” ấy, anh ngẫm ngợi ra nhiều điều trước đây ông hay nói với tụi mình, nhất là về vấn đề tôn trọng “mẹ thiên nhiên”. Nhưng thôi, yên ổn cả là may rồi, giờ tập trung những việc trước mắt để ổn định cuộc sống nhé. Có dịp, anh em mình sẽ hàn huyên sau”.
Sinh thời, bố tôi rất quý anh, mỗi khi có dịp chú cháu hay chén trà, chén rượu đàm đạo đôi câu. Tôi nhớ, có lần anh hỏi bố về chủ trương kiến thiết lại nhà thờ họ. Bố bảo, nhà cổ các cụ để lại rất quý, chỗ nào hư hỏng thì sửa chữa lại, còn đến khi xuống cấp quá thì bỏ đi làm lại theo lối cổ nhưng dùng vật liệu mới, vừa đỡ tốn tiền vừa không tàn phá thiên nhiên. Theo ông, ngày xưa người ít, rừng nhiều, ông bà ta có điều kiện sử dụng gỗ quý để làm nhà cửa. Giờ đây, dân số tăng nhanh, tài nguyên rừng mỗi ngày mỗi khan hiếm, nếu chúng ta khai thác bừa bãi thì những cánh rừng nguyên sinh sẽ mất đi, ấy là lúc nguy cơ đe dọa an toàn môi trường sống sẽ nhiều lên.
Lần khác, các cụ cao niên trong xóm bàn nhau về việc cụ này, cụ kia có điều kiện mua sắm hẳn súc gỗ quý to thuộc hàng tứ thiết về để dự phòng hậu sự. Bố tôi bảo, mỗi người có một người mẹ sinh ra mình nhưng tất cả loài người có chung một “mẹ thiên nhiên” mà mình cần biết ơn và tôn trọng. Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến việc lo thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình bằng mọi giá, ngay cả khi chết đi rồi vẫn chiếm dụng tài nguyên theo kiểu tàn phá sự cân bằng của hệ sinh thái thì trái đất của chúng ta sẽ không được yên bình. Mấy chục năm trước, bố đi du học ở nước Nga, họ tiến bộ hơn ta rất nhiều lần nhưng khi mất đi đa số họ dùng quan tài rất giản dị được làm từ loại gỗ bình thường. Ấy là họ có ý thức giữ gìn sự bền vững thiên nhiên cho muôn đời con cháu được thừa hưởng.  
Chiều qua, lướt zalo thấy đứa cháu trai, con út của ông anh họ tôi, đăng album ảnh “Ngày bão”: Cả nhà tất bật chằng, chống cây cối, chuẩn bị lương thực; chị dâu nấu ăn trên bếp gas trong khi anh tôi cùng các cháu ngồi chơi cờ cá ngựa; anh tôi hướng dẫn các cháu làm chong chóng, cào cào bằng lá cây dừa cảnh… Nhìn vẻ mặt của anh trong những ngày mưa bão nom vẫn rất yên bình. Cũng phải, vào những ngày bình thường, những đứa trẻ đến trường ngày 2 buổi, học thêm mỗi tối, rồi còn vướng tivi, máy tính, điện thoại, ipad… Khoảnh khắc ông cháu quây quần, nô đùa bên nhau như thế kia là rất ít.  
Những bức ảnh của gia đình anh bỗng đánh thức trong tôi cả vùng ký ức. Vào những tháng năm xa lắm, khi anh em tôi còn là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ, ngày nào cũng nhầng nhầng theo nhau chạy đùa khắp xóm, đến trưa, đến tối lại chạy về với bà. Trưa, chúng tôi sẽ ăn một bữa ăn tập thể vì người lớn đi làm đồng hết, chỉ có bà ở nhà lo cho cả bọn. Buổi tối, học bài xong anh hay sang nhà tôi chơi. Bà nội nấu nồi cám lợn trên bếp, thế nào cũng vùi vào tro vài củ khoai. Anh em tôi vừa chơi cá ngựa, cờ ca rô quẹt nhọ nồi vừa ăn khoai. Khi tàn cuộc, mặt mũi đứa nào đứa ấy đều nhom nhem nhưng vẫn vui cười ha hả. Những ngày mưa bão, lũ chúng tôi được nghỉ học ở nhà lấy rơm bịt cống để bơi lội thỏa thích trong sân, được nhặt những trái bưởi gãy rụng để chơi bóng đá. Những khi ấy, mẹ hay mắng chúng tôi: “Bọn bay chơi ít thôi! Hoa mầu mất hết, lúa ngập ngoài đồng kia kìa!”. Bà thì thở dài: “Con mắng làm gì, chúng nó đã biết gì đâu. Trẻ con sướng là vì vô tư mà…”.
Dòng suy nghĩ miên man của tôi bị cắt đứt vì chuông báo có bài đăng mới. Cháu tôi lại vừa đăng 1 album ảnh mới toe mang tên “Ra đường nào!”. Một loạt ảnh anh tôi hăng hái cùng bà con khu phố dọn dẹp vệ sinh đường phố sau cơn bão. Khi thì anh kéo cây đổ, hót lá cho lên xe. Khi thì anh chằng, chống những cây bị nghiêng ngả cho thẳng lại. Nhìn anh hăng hái lao động tôi cũng thấy vui lây. Thêm khoảng thời gian nữa, anh em tôi sẽ có dịp hàn huyên, lúc ấy tha hồ chuyện để nói. Mà tôi chắc, vấn đề tôn trọng “mẹ thiên nhiên” sẽ được anh nhắc tới đầu tiên.

Vân Giang